”Room” tín dụng đang là “nỗi đau đầu” của rất nhiều ngân hàng. Các nhà băng kỳ vọng việc cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ sớm Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 30/6 đã đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,47% cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ khiến hầu hết ngân hàng rơi vào tình trạng cạn ”room” tín dụng được NHNN tạm cấp hồi đầu năm.
Tính đến hết tháng 6, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng tới 14,6%. Nếu tính thêm cả trái phiếu, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này ước tính đạt gần 14,4%, vượt khá xa so với hạn mức 10% được tạm cấp. Trong khi đó, Agribank cũng đã dùng hết 6% trong tổng số 7% ”room” tín dụng được phân bổ, còn BIDV cũng sử dụng hết 90% hạn mức ngay từ cuối tháng 5.
Bên nhóm tư nhân, tình trạng còn này còn căng thẳng hơn khi nhiều ngân hàng thậm chí còn hết ”room” ngay từ đầu quý II.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, đến hết tháng 6/2022, ngân hàng này đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được NHNN thông báo từ đầu năm. Tương tự, đại diện VPBank cũng cho biết ngân hàng đã dùng hết ”room” được tạm cấp vào cuối quý II.
Tại HDBank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng nhanh hơn gấp đôi cùng kỳ và đã tiệm cận hạn mức được cấp. MB, Eximbank và SHB cũng trong tình trạng tương tự.
Để khắc phục tình trạng cạn ”room”, nhiều ngân hàng chuyển sang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trong thời gian chờ đợt điều chỉnh hạn mức mới, đồng thời giảm lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ và hạn chế tín dụng bất động sản để có thêm dư địa cho vay.
Tại Techcombank, Chứng khoán Bảo Việt cho biết nhà băng này đã giảm giá trị nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp từ 76,8 nghìn tỷ cuối quý I xuống còn 49,3 nghìn tỷ để có hạn mức tín dụng cho cho vay khách hàng. Còn theo ước tính của Chứng khoán SSI, TPBank cũng đã chủ động giảm 4.300 tỷ số dư trái phiếu doanh nghiệp để dành ”room” cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian đầu quý III/2022.
Với Sacombank, Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc thông tin, đến cuối tháng 5 ngân hàng đã sử dụng gần hết ”room” tín dụng mà NHNN giao hồi đầu năm (7%). Đây cũng là lý do Sacombank có văn bản yêu cầu các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng sẽ sớm được nới ”room” để có thêm dư địa cho vay.
Theo Phó Tổng giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo, nếu không có ”room”, ngân hàng phải xem xét ưu tiên cho phân khúc khách hàng chiến lược, còn tín dụng đối với doanh nghiệp cũng là một bài toán nan giải. Những cam kết như cam kết thanh toán quốc tế ngân hàng cũng sẽ ưu tiên, còn những cam kết có thể trễ được thì ngân hàng đành phải nói không với khách hàng.
Theo lãnh đạo VPBank, ”room” tín dụng không chỉ là vấn đề của VPBank mà cũng là “nỗi đau đầu” của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống. VPBank kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ ”room” tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố.
Về phía nhà điều hành, NHNN cho biết một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room” chủ yếu là do các đơn vị này tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết ”room” mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…
“Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng”, NHNN nhấn mạnh.
Trước đó, đại diện NHNN cũng thừa nhận không thể mạnh tay ”nới room” cho các ngân hàng trước áp lực lạm phát và vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ngay từ khi phân bổ ”room” tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.
“Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ”room” tín dụng phải giải quyết thỏa đáng’’, Phó Thống đốc cho biết thêm: ”Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện”.
Giới phân tích nhận định, NHNN kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% khiến hạn mức tín dụng nới thêm cho các ngân hàng sẽ là không nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm của các ngân hàng khi thu nhập lại thuần vẫn chiếm từ 75 – 80% tổng doanh thu .
‘’Mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021’’, SSI Research dự báo.
Nguồn: cafef.vn