“Người lao động đã sử dụng cạn kiệt nguồn tiết kiệm trong hai năm qua, nay lại gặp “bão giá” nữa sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ càng trở nên cấp bách hơn”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với PV Tiền Phong.
-
việc điều hành tỷ giá cũng cần phải rất thận trọng và linh hoạt. Nếu điều chỉnh không khéo dẫn dến lạm phát kép gây khó ổn định kinh tế vĩ môTại: Chính sách tiền tệ cần có sự “chia lửa”
-
Cần tiếp tục ưu tiên giải ngân cho các công trình giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo bộ mặt quốc gia và thu hút du lịch nước ngoài.Tại: Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế và hút FDI một cách có chọn lọc
Triển khai nhanh, đồng bộ hơn
Cho ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “thấy khó hiểu”, khi thể chế đã “mở hết cỡ” mà gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng “vẫn chưa phân bổ được đồng nào”. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Chúng ta đều biết, vừa qua Quốc hội đã dành hẳn một kỳ họp bất thường để xem xét, ban hành Nghị quyết 43 về gói tài khóa tiền tệ, giúp cho nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Nhưng điều quan trọng hơn, gói tài khóa tiền tệ đã dành nguồn lực rất lớn để hỗ trợ về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, rồi hỗ trợ vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để cho đối tượng yếu thế vay. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để họ được tiếp thêm sức mạnh, phục hồi nhanh chóng.
Thực tế, các chính sách được ban hành đã có được những kết quả tích cực. Trong quý I năm nay, mức tăng trưởng đạt 5,03%, cao hơn quý I của năm 2021. Thời điểm khó khăn nhất rơi vào quý III năm ngoái, kinh tế suy giảm và tăng trưởng âm hơn 6%. Thế nhưng sang quý sau đó tăng trưởng đã đạt trên 5% và đến quý I năm nay vẫn duy trì được sức tăng trưởng đó. Điều đó cho thấy dấu hiệu phục hồi phát triển rất mạnh mẽ.
Ngoài những con số kể trên, sự phục hồi mạnh mẽ ấy còn được biểu hiện như thế nào, thưa ông?
Có thể nói tất cả các hoạt động về kinh tế xã hội đều đã phục hồi. Thu hút khách du lịch không chỉ nội địa mà còn cả khách quốc tế. Chúng ta đã bỏ hàng rào về kiểm tra y tế, đó là thành quả rất lớn. Sân vận động đầy ắp khán giả trong sự kiện SEA Games 31 vừa qua là một sự ngạc nhiên cho các vận động viên và khách quốc tế. Điều đó cho thấy nước ta đã hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh và đang phục hồi hết sức mạnh mẽ.
Thực tế đời sống của đại bộ phận người dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt giá xăng, dầu tăng cao, kéo theo sự gia tăng của nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác?
Điều chúng ta đang lo lắng hiện nay là, từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine cộng với chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, rồi vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng làm gia tăng thêm các chi phí, trong đó có vấn đề khủng hoảng về năng lượng, lương thực, làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên. Vì vậy, đời sống của người lao động trở nên vô cùng khó khăn, vì họ đã sử dụng cạn kiệt nguồn tiết kiệm trong hai năm qua rồi, nay lại gặp “bão giá” nữa sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, gói hỗ trợ tài khóa tiền tệ càng ý nghĩa và cấp bách hơn.
Ông kỳ vọng gì ở Chính phủ và các bộ, ngành về việc triển khai gói chính sách tài khóa, tiền tệ này?
Với ý nghĩa cấp bách như vậy, các bộ, ngành phải triển khai nhanh hơn, đồng bộ hơn và phải làm gấp hơn. Qua đây, chúng ta thấy phải rà soát quy trình xử lý, triển khai tinh thần Nghị quyết Quốc hội, xem vướng mắc do đâu để khắc phục.
Tuy nhiên, dù nôn nóng song chúng ta cũng phải hết sức chia sẻ với các thành viên Chính phủ. Trong những tháng đầu năm vừa rồi ngập đầu trong công việc, nhưng chúng ta cũng đề nghị Chính phủ phải quyết tâm hơn nữa, triển khai nhanh hơn nữa.
Gói hỗ trợ thì rất nhiều và rất rộng, còn cá nhân ông quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực gì?
Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Gói hỗ trợ về tiền thuê nhà ở của người lao động, gói cho vay với lãi suất thấp đối với các đối tượng trong diện chính sách, trong đó có cả học sinh, sinh viên. Đối với vấn đề miễn giảm thuế, phải làm sao để đi vào cuộc sống nhanh hơn. Quốc hội phải tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề này.
Đối với gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, rất thiết thực nhưng hiện vẫn còn ách tắc, chưa triển khai được. Vấn đề ở đây là phải hướng dẫn một cách rõ ràng, chi tiết, rồi khâu kiểm kê ra sao, bởi không phải ai cũng được hỗ trợ. Việc này các địa phương đang làm, không phải chậm mà vì họ quá nhiều việc, đầu tắt mặt tối, nhưng rõ ràng chủ trương cần phải được thúc đẩy nhanh hơn.
Riêng đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% mới có Nghị định, sau đó mới triển khai để doanh nghiệp tiếp cận được số vốn lãi suất thấp. Còn 50% gói tài khóa tiền tệ liên quan đến đầu tư các dự án, mà cái đó hiện vẫn còn đang trình: Hai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TPHCM; rồi ba tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Vì sao có tiền không chi được?
Lãnh đạo Quốc hội phát biểu rằng, thấy khó hiểu khi “có tiền mà không tiêu được”, mặc dù các cơ chế chính sách đã được “mở hết cỡ”?
Thực tế, quá trình triển khai các công trình đầu tư công thường với các bước rất dài, điều tôi lo lắng là như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiền đang lãng phí. Thực tế mới chỉ có chủ trương và chưa có tiền, phải chờ phát hành trái phiếu để huy động vốn. Ngân sách thì ở đâu mà có vì năm nào cũng bội chi. Chính vì thế, chúng ta chỉ phát hành trái phiếu để giải ngân cho các chương trình đó thôi, không thể làm trái được.
Theo ông, có câu chuyện “sợ trách nhiệm” không?
Sợ trách nhiệm là có. Chúng ta phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì tập thể, vì sự phát triển của đất nước. Bây giờ phải luật hóa cái đó. Thanh tra, kiểm tra, đâu có căn cứ vào nghị quyết mà căn cứ vào điều khoản của luật. Chính vì thế phải luật hóa để bảo vệ cán bộ.
Cảm ơn ông!
Nguồn: cafef.vn
TÁC GIẢ KHÁC
TS. Ngô Ngọc Quang
Chuyên gia hoạch định tài chính, Đại học Ngoại Thương
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia Kinh tế tài chính
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính