So với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 10 năm ngoái, cổ phiếu HPG đã mất hơn một nửa thị giá, tương ứng vốn hóa thị trường giảm 129.670 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD).
HPG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn để tìm điểm cân bằng mới sau khi điều chỉnh mạnh dưới ảnh hưởng của thế giới. Áp lực bán trên diện rộng khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu trong đó nổi bật phải kể đến HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Cổ phiếu này kết thúc phiên 20/6 tại mức giá sàn 21.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 17 tháng. So với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 10 năm ngoái, HPG đã mất hơn một nửa thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” 129.670 tỷ đồng (~5,6 tỷ USD) xuống còn 125.600 tỷ đồng.
Để hình dung về sự khốc liệt về cú lao dốc của cổ phiếu đầu ngành thép, con số 5,6 tỷ USD mà Hòa Phát mất đi chỉ trong 8 tháng qua gấp hơn 3 lần vốn hóa của 2 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là VND và SSI công lại và tương đương với tổng vốn hóa của 5 ngân hàng thương mại tầm trung như VIB, MSB, OCB, LPB, NVB.
Không chỉ riêng HPG, hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm sâu từ đỉnh có thể kể đến như HSG mất 70%, NKG bay 63%,… Trong bối cảnh nhóm thép đang miệt mài dò đáy, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đã có những chia sẻ thẳng thắn tại Đại hội cổ đông thường niên 2022. “Cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào” – ông Long chia sẻ.
Lý giải về những khó khăn của ngành thép, ông Trần Đình Long chỉ ra giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraine làm giá than luyện tăng 100 – 200 USD/tấn. Than cốc là một trong những nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất thép. Thêm nữa, chi phí logistics tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng gây áp lực lớn lên lợi nhuận ngành thép. Trong một báo cáo hồi cuối tháng 4, Chứng khoán KIS dự báo biên lãi gộp của Hòa Phát sẽ giảm 4,4% từ 27,4% của năm 2021 xuống 23% trong năm 2022.
Ở chiều ngược lại, giá thép thế giới sau khi tăng nóng và đạt đỉnh đã hạ nhiệt và quay đầu. Cùng xu hướng đó, giá thép tại thị trường nội địa cũng trên đà giảm trong thời gian gần đây. Trong 1 tháng qua, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm 4 lần liên tiếp, xuống quanh 16,6 – 17 triệu đồng/tấn.
Một trong những nguyên nhân đến từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm. Trung Quốc chiếm 60% sản lượng tiêu thụ của thế giới nên khi đất nước tỷ dân phong tỏa, nhu cầu cũng đi xuống rõ rệt. Lượng nhập khẩu thép của Trung Quốc đã giảm gần 27% xuống còn 27,8 triệu tấn qua đó tụt từ vị trí dẫn đầu xuống xếp thứ 3 sau sau Mỹ và EU.
Ngoài ra, giá cổ phiếu ngành thép cũng cho thấy sự đồng pha nhất định với xu hướng đi xuống của giá hàng hóa thế giới. Hợp đồng tương lai thép cuộn cán nóng (HRC) giao tháng 11/2022 cũng giảm xuống còn 4.380 nhân dân tệ/tấn trong ngày 20/6, giảm 34% so với đỉnh lịch sử đạt được trong năm ngoái.
Do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng, Chứng khoán BSC cho rằng biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm và dự phóng LNST của HPG sẽ giảm nhẹ 3,1% xuống 36.375 tỷ đồng trong khi HSG và NKG đều sụt giảm mạnh lần lượt 19% và 14,7% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 3.493 tỷ đồng và 2.002 tỷ đồng.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Điều này là do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; và châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.
Nguồn: cafef.vn