Chủ tịch FiinGroup: “Gần 70 tỷ USD có thể đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay trước khi thị trường được công bố nâng hạng”

Chủ tịch FiinGroup: “Gần 70 tỷ USD có thể đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay trước khi thị trường được công bố nâng hạng”

Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup nói.

Nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.

Trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup đã có những chia sẻ về cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Chứng khoán Việt Nam giống võ sĩ hạng nặng đang thi đấu ở hạng nhẹ

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, câu chuyện về thị trường Việt Nam như là võ sĩ hạng nặng nhưng đang thi đấu ở hạng cân nhẹ hơn là điều rất rõ. Hiện tại quy mô vốn hóa thị chứng khoán Việt Nam không thua kém gì so với các nước trong khu vực Asean, mà còn có có thể nằm trong phân hạng thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI.

Nếu xét về chất lượng thị trường cũng không kém về số lượng doanh nghiệp và rất nhiều các tiêu chí khác về quy mô. Việc nâng hạng, nó giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. Dù có một số điểm cần phải cải thiện, nhưng về cơ bản do ý chí của chúng ta nhiều hơn và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường.

Hệ thống Công nghệ thông tin cũng liên quan đến 2 tiêu chí trong việc thúc đẩy nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Một là hạ tầng, trường hợp này là hạ tầng cứng hệ thống giao dịch. Thứ hai là về sản phẩm, nhờ hệ thống công nghệ đó sẽ có thêm các sản phẩm như T+0, bán khống…sẽ giúp nhà đầu tư có nhiều công cụ để đầu tư và quản trị rủi ro hơn.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, đây là một tiêu chí rất quan trọng và đã từng được MSCI đề cập trong lần đánh giá trước. Tuy nhiên, ông Thuân tin tưởng hệ thống công nghệ thông tin sẽ sớm được cải thiện.

Câu chuyện nâng hạng hiện không chỉ ở một bộ ngành như Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán mà còn liên quan đến một số bộ ngành trong như là Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị như Sở Giao dịch Chứng khoán New York (Mỹ), trung tâm tài chính của thế giới, họ rất hiểu về khẩu vị đầu tư của các quỹ đầu tư lớn trên phạm vi toàn cầu là một điều rất tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Thuân cho rằng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hay còn gọi là “room” đối với cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư cũng như các sản phẩm khác nhau hỗ trợ cho vấn đề này cũng là một trongcác tiêu chí của các tổ chức nâng hạng như MSCI khi đánh giá nâng hạng.

Thực tế “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không nhiều, điều này khác với Malaysia, Indonesia hay Philippines có cơ chế thoáng hơn. Ví dụ, một mã chứng khoán của một doanh nghiệp rất lớn trên thị trường, nhưng phần trăm cổ phiếu giao dịch được tự do nó rất thấp vì nhà nước sở hữu 75% hay 90% rồi đối tác chiến lược sở hữu 15%… Chính vì thế, kể cả nâng hạng nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể đẩy mấy trăm triệu đô hoặctỷ đô hoặc một số tiền lớn vào những cổ phiếu như thế. Giờ cũng có nhiều ý kiến là sẽ xem xét nới “room” cho ngành ngân hàng tài chính, đây cũng là một điểm mà chúng ta có thể xem xét.

Hàng chục tỷ USD sẽ đổ vào Việt Nam khi nâng hạng thị trường

Về thời điểm nâng hạng thị trường, Chủ tịch FiinGroup đánh giá vấn đề kỹ thuật không phải trở ngại lớn và phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan quản lý, đặc biệt là sự chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Thuân cho rằng chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ, quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD. Và trong đó các quỹ được MSCI khuyến nghị phân bổ khoảng 30% cho thị trường Việt Nam trong rổ đấy, đương nhiên các quỹ sẽ không phân bổ hết 30% đó vì thị trường vẫn ở hạng nhẹ. Còn nếu Việt Nam thi đấu ở hạng trung mới nổi Emerging markets thì quy mô của hạng này là 6.800 tỷ USD và chỉ cần 1% phân bổ đấy thôi thì đã có 68 tỷ đô vào thị trường. Và thông thường dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, ở Ả Rập Xê Út hay Kuwait.

Ngoài ra, việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, để phục vụ chính thị trường nội địa này và nhu cầu vốn đầu tư cũng còn rất nhiều.

Nếu nhìn vào Qatar, Pakistan có thể thấy mặt bằng định giá sau khi nâng hạng thường gấp rưỡi hoặc gấp đôi, kể cả về mặt chỉ số lẫn thanh khoản lẫn valuation, tức là tính theo P/E. Dù vậy, cũng còn tùy thuộc vào câu chuyện của Việt Nam.

Bên cạnh đó, không phải tất cả đều có lợi khi chúng ta nâng hạ lên mới nổi. Ví dụ, để nâng hạng, các tổ chức như MSCI sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái, tỷ giá dịch chuyển vốn thì mình sẽ chấp nhận đến đâu? Những dòng vốn mà nhanh vào thì nó cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: