Ngay quý đầu năm, nhiều ngân hàng đã có một khởi đầu thuận lợi với con số lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, liệu các nhà băng còn có thể duy trì được phòng độ của những tháng đầu năm hay không?
Mặt bằng lãi suất huy động cao hơn có thể khiến NIM của ngân hàng đi ngang hoặc thu hẹp
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng kể từ đầu tháng 5 đến nay. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn cũng bắt đầu tham gia cuộc đua thu hút tiền gửi nhằm chuẩn bị cho nhu cầu vay vốn tăng nhanh khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được áp dụng.
Theo khảo sát thực tế trên thị trường hiện nay, các ngân hàng đều điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,3-0,8%/năm ở một số kỳ hạn. Tính đến tháng 6, câu lạc bộ các ngân hàng có lãi suất huy động trên 7% có thêm nhiều thành viên mới.
Sacombank hiện là ngân hàng chào với mức lãi suất cao nhất, lên tới 7,55% cho kỳ hạn 18 tháng trở lên. Ngoài ra các ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 7% còn có Nam A Bank (7,4%/năm), Kienlongbank (7,3%/năm, kỳ hạn 36 tháng), (7,2%/năm, từ 24 tháng), Viet Capital Bank (7%/năm, kỳ hạn 24 tháng), CBBank (7%/năm, từ 13 tháng),…
Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng tác động lên chi phí của các ngân hàng, nhất là khi nhu cầu tín dụng và đầu tư tăng lên, nhưng trước áp lực lạm phát trong nước, thì lãi suất tiền gửi khó giảm xuống.
Nhiều ngân hàng cho biết, lãi suất huy động tăng nhanh được xem là rủi ro của hoạt động ngân hàng và thu hẹp biên độ lãi ròng (NIM) của các nhà bằng trong 6 tháng cuối năm. Các chuyên gia phân tích của VNDirect đanh giá việc cải thiện NIM sẽ chậm lại, thậm chí giảm do các ngân hàng còn đang phải hỗ trợ lãi suất cho vay cho khách hàng trong bối cảnh hồi phục kinh tế sau dịch.
Nếu như trong mỗi trường lãi suất giảm, các ngân hàng có nhiều cơ hội để tăng khả năng sinh lời trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm nhanh theo các chính sách của nhà điều hành, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn vì phụ thuộc vào ý chí và chiến lược kinh doanh của các ngân hàng, thì ngược lại khi mặt bằng lãi suất đi lên trở lại, các ngân hàng có thể đối mặt với không ít thách thức.
Bên cạnh lãi suất huy động tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, theo con số được công bố bởi NHNN, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến cuối tháng 3 đạt 5,04%; nhưng đến ngày 9/6 đạt 8,15%.
Xét trên biểu đồ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, chỉ tiêu này tăng mạnh trong quý 1, đặc biệt là nhảy vọt trong tháng 2 sang tháng 3. Giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 5 vẫn duy trì “phong độ” mạnh, nhưng đến sau 25/5 bắt đầu chững lại và gần như đi ngang trong tháng 6.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại chủ yếu là do các ngân hàng đã cạn room tín dụng. Ví dụ như tại ngân hàng Vietcombank, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 đã đạt 9%, gần chạm chỉ tiêu tăng trưởng cả năm mà NHNN cho phép.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng có 2 điểm đáng chú ý của nhóm ngân hàng trong quý II này, đó là mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng và tăng trưởng tín dụng đã chậm lại hơn. Vị chuyên gia này cũng đánh giá, triển vọng ngành ngân hàng quý II/2022 chỉ ở mức trung tính và có sự phân hóa khá cao. Các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong quý I, nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý II có thể không được lạc quan như trước.
Sẽ không còn nhiều những khoản lợi nhuận bất thường, tìm kiếm động lực tăng trưởng từ những yếu tố khác
Trong quý đầu năm, nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng bằng lần nhờ những nguồn lợi nhuận kinh doanh bất thường. Đơn cử như VPBank, trong quý I, ngân hàng này có thu nhập ngoài lãi đạt 8.381 tỷ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhờ khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và AIA Việt Nam. Hay khoản nhờ thu từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến, lợi nhuận quý I của VietABank cũng đạt 339 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, bước sang các quý sau, lợi nhuận bất thường của các ngân hàng sẽ dần mờ nhạt, khi đó động lực tăng trưởng được kỳ vọng đến từ các yếu tố khác. Giới phân tích cho rằng động lực tăng trưởng của ngân hàng từ nay đến cuối năm 2022 dự báo sẽ đến từ 3 yếu tố bao gồm tín dụng tăng trưởng mạnh, thu nhập từ phí tăng và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt.
Mặc dù hầu hết các NHTM đã hết room tín dụng, song với đề xuất từ các ngân hàng, Bộ phận phân tích SSI Research kỳ vọng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lí, có thể là quý III năm nay. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 sẽ ở mức tương đối tích cực khi các chuyên gia kỳ vọng chỉ tiêu này có thể đạt 15%.
Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các chuyên gia cho rằng bancassurance sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng. Theo đó, khi hệ thống NHTM phát triển, thu nhập của các ngân hàng sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào mảng cho vay, và thu nhập phí sẽ đóng vai trò quan trọng như một động lực thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng trong tương lai.
Còn theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB, động lực cho sự tăng trưởng của các ngân hàng trong năm nay sẽ đến từ việc giảm áp lực trích lập dự phòng bên cạnh tăng trưởng tín dụng đạt mức cao.
Mặc dù có nhiều triển vọng, song phong độ quý tới của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, với các ngân hàng có đặc điểm như đẩy mạnh tín dụng, hay nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancassurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.
Sự kiện:
Triển vọng ngành ngân hàng 2022
Xem tất cả >>
- Chuẩn bị công bố KQKD quý 2, liệu các ngân hàng có giữ được phong độ như quý 1?
- Nhiều ngân hàng bắt đầu chiêu mộ lượng lớn nhân sự, ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng cần tuyển tới hơn 100 chỉ tiêu
- Khi ngân hàng cạn ”room” tín dụng…
- Chuyên gia nhận định thế nào về triển vọng các ngân hàng quý 2?
- Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho OCB tăng vốn lên gần 13.758 tỷ đồng
Nguồn: cafef.vn