Vietcombank, MB đã sẵn sàng cho việc xử lý các ngân hàng 0 đồng, trong khi VPBank cũng bày tỏ ý định tham gia.
Khuyến khích ngân hàng mua bán, sáp nhập TCTD tự nguyện
Ngân hàng 0 đồng được biết đến là các ngân hàng bị âm vốn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.
Liên quan đến hoàn thiện phương án tái cơ cấu theo định hướng mới, thời gian qua Chính phủ đã chủ động, quyết liệt tìm kiếm đối tác, sắp xếp lại hoạt động nhằm dọn đường để xử lý dứt điểm các ngân hàng mua bắt buộc trong đó có CBBank và hai ngân hàng khác là OceanBank, GPBank. Thông tin trên được Chính phủ ghi nhận trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến các tổ chức tín dụng yếu, yếu kém, đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Nhóm tổ chức tín dụng yếu, yếu kém thực hiện phương án cơ cấu lại, tăng vốn do cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các rủi ro.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, đề án nêu nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối bao gồm tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng…
Đề án đề cập Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Trả lời tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có phương án xử lý ngân hàng 0 đồng. NHNN đã trình phương án xử lý và sẽ tích cực triển khai sau khi cấp có thẩm quyền quyết định. Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn…
Thống đốc cho biết đã trình phương án xử lý các ngân hàng yếu kém như CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank. Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là CBBank và OceanBank đã có phương án xử lý.
Theo số liệu Người Đồng Hành có được từ VIRAC, đến cuối năm 2021, CBBank lỗ lũy kế 36.880 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 33.825 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 26.123 tỷ đồng, cải thiện 4% so với năm trước. Trong khi đó, Oceanbank lỗ lũy kế 18.698 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 14.429 tỷ đồng. Tổng tài sản 23.802 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2020.
Với GPBank, ngân hàng này lỗ lũy kế hơn 18.754 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021 và âm vốn chủ sở hữu 15.669 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 11.640 tỷ đồng, cải thiện 11% so với năm trước.
Cái “bắt tay” giữa các ngân hàng
Thông tín chính thức về việc CBBank sẽ buộc chuyển giao về TCTD cụ thể chưa được công bố.
Từ tháng 8/2014, Vietcombank và CBBank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Vietcombank đã hỗ trợ cơ bản cho CB về kinh nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro. Đồng thời, Vietcombank cũng cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để hỗ trợ và chia sẻ với CBBank về quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, công nghệ thông tin.
Tại ĐHCĐ 2022 của Vietcombank, ngân hàng cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một TCTD yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Vietcombank cho biết việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, NHNN và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông của Vietcombank.
Hoạt động này sẽ cho phép Vietcombank có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì. Cụ thể, Vietcombank sẽ được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các TCTD, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại phương án chuyển giao bắt buộc.
Sau khi Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào báo cáo hợp nhất của ngân hàng.
Vietcombank không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế. VCB không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, Vietcombank và TCTD được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các TCTD, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng được hưởng ưu đãi về hạn mức tín dụng, mạng lưới chi nhánh…
Về OceanBank, ngày 26/5, MB đã ký kết thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác toàn diện giữa hai ngân hàng. Trong ký kết giữa hai bên có nội dung hợp tác chuyển giao, xây dựng các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. MB sẽ hỗ trợ OceanBank để từng bước hiện đại hóa hệ thống và hạ tầng công nghệ thông tin.
MB cũng sẵn sàng triển khai số lượng nhân sự 200 cán bộ và kỹ sư công nghệ, và các nguồn lực về trang thiết bị, cơ sở vật chất phần cứng để nâng cấp kỹ thuật về hạ tầng, xây dựng hệ thống core-banking mới cho OceanBank… Việc triển khai những nội dung hợp tác kinh doanh sẽ giúp OceanBank giảm lỗ lũy kế trong thời gian chưa chuyển giao và góp phần cải thiện thu nhập người lao động…
Tại đại hội thường niên 2022, MB cũng được cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết sau khi nhận chuyển giao tổ chức tín dụng, MB cũng sẽ được một số hỗ trợ từ NHNN như khoản vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo ước tính sau 7-8 năm có thể giải quyết lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao. Sau đó, MB có thể sáp nhập để tăng quy mô tài sản hoặc IPO và bán cổ phần như một khoản đầu tư, “sẽ không thể trả lại ngân hàng nhận chuyển giao cho NHNN”, ông Thái chia sẻ.
Tổng giám đốc đề cập MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng, mở ra cơ hội để tăng tốc 1,5 – 2 lần quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.
MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức được chuyển giao bắt buộc, được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất…
Việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MB.
Hai ngân hàng chưa được xử lý là GPBank và DonABank, hiện chưa có nhiều thông tin được tiết lộ.
Vừa qua, tại đại hội thường niên 2022, Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cũng đề cập ngân hàng đang nghiên cứu tham gia nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Ngân hàng đang trong quá trình xem xét nên chưa công bố chi tiết và còn quá sớm để nói về ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Nếu VPBank tham gia vào việc xử lý ngân hàng “0 đồng” và ngân hàng yếu kém, GPBank và DongABank có thể sẽ là một trong những lựa chọn. Việc tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém vừa là cơ hội và cũng là thách thức cho các TCTD. Bên cạnh những ưu đãi và cơ chế đặc thù, đơn vị nhận chuyển giao cũng đứng trước áp lực phải xử lý tồn tại trong quá khứ và “không thể trả lại” ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng được phép nhận chuyển giao cũng sẽ phải thông qua vòng xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo tình hình tài chính, sức khỏe an toàn vốn.
Nguồn: cafef.vn