Chuyên gia bất ngờ với cú giảm sâu của VN-Index: “Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang giẫm lên nhau rời khỏi thị trường”

Chuyên gia bất ngờ với cú giảm sâu của VN-Index: "Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang giẫm lên nhau rời khỏi thị trường"

“Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường sẽ hồi phục mạnh như năm 2021 nên nhiều người tranh thủ bắt đáy ở những ngưỡng hỗ trợ như 1.420, 1.400 hay 1.350 điểm. Tuy nhiên, khi tất cả những ngưỡng này đều bị xuyên thủng thì tâm lý nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin. Rõ ràng đang có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giẫm lên nhau rời khỏi thị trường”, vị chuyên gia nhận định.

Tiếp tục là một thứ hai u ám với nhà đầu tư chứng khoán, VN-Index “bay màu” 68 điểm lùi về mốc 1.310. Thị trường gần như không xuất hiện lực đỡ dù có thời điểm giảm sâu hơn 80 điểm. Toàn thị trường có hơn 250 mã nằm sàn. Nếu xét riêng về điểm số, đây là phiên chỉ số giảm sâu nhất trong hơn một năm trở lại đây.

Riêng rổ Vn30 bốc hơi gần 78  điểm, toàn bộ cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có tới 13 mã giảm sàn gồm BID, BVH, CTG, FPT, GAS, HPG,PNJ, MWG,… Việc loạt cổ phiếu bluechips bị bán mạnh vào đầu phiên chiều khiến thị trường lao dốc và bắt đầu hành trình rơi tự do.

Với biên độ giảm giá mạnh nhưng thanh khoản thấp, nguyên nhân chủ yếu đến từ lực mua quá yếu. Thanh khoản sụt giảm mạnh, nhà đầu tư đang trong tình trạng “chim sợ cành cong” sau khi thua lỗ nặng những ngày vừa qua.

Nhận định về thị trường trong phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng cú giảm mạnh trong phiên hôm nay bất ngờ và nằm ngoài mọi phân tích. Theo quan sát, nguyên nhân lực bán mạnh dồn đến nhóm cổ phiếu cơ bản khiến lượng Force-sell ở nhóm này tăng lên thêm. 

“Những phiên đầu tuần trước thị trường cũng lao dốc, song áp lực chủ yếu tập trung ở những nhóm đầu cơ, nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn tăng tốt. Điều này khiến nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu vẫn còn trú ẩn ở nhóm cổ phiếu cơ bản. Tuy nhiên, áp lực bán tháo cổ phiếu cơ bản diễn ra trong phiên cuối tuần trước đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị tác động nặng nề khi hết dòng này đến dòng kia bị bán tháo”, chuyên gia phân tích.

Một phần ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới khi các chỉ số này cũng đồng loạt giảm. Song chỉ tác động một phần nhỏ, nguyên nhân cốt lõi vẫn là tâm lý nhà đầu tư. Năm 2021, thị trường chứng khoán cũng từng chứng kiến đợt giảm mạnh, song cũng hồi lại rất nhanh nên hút lực cầu lớn. Do đó, chuỗi giảm mạnh và kéo dài sâu trong năm nay khiến nhiều nhà đầu tư chán nản. Trong khi đó, lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đến 95% nên rất dễ có tâm lý đám đông, bán tháo dồn dập. 

Lấy dẫn chứng cụ thể, chuyên gia cho rằng các thị trường chứng khoán Châu Á, cụ thể là Đài Loan (Trung Quốc) cũng từng xảy ra trường hợp tương tự. Khi đó, thị trường cũng có đợt bùng nổ cũng nhờ sự bùng nổ của nhà đầu tư nhỏ lẻ, chiếm hơn 90% thanh khoản toàn thị trường. Tuy nhiên sau thời kỳ thăng hoa, thị trường cũng chứng kiến cú lao dốc mạnh khi hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ rời bỏ thị trường, trong khi không có dòng tiền nhà đầu tư tổ chức bấu víu.

“Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường sẽ hồi phục mạnh như năm 2021 nên nhiều người tranh thủ bắt đáy ở những ngưỡng hỗ trợ như 1.420, 1.400 hay 1.350 điểm. Tuy nhiên, khi tất cả những ngưỡng này đều bị xuyên thủng thì tâm lý nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin. Rõ ràng đang có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giẫm lên nhau rời khỏi thị trường”, vị chuyên gia nhận định.

Trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)  cũng đánh giá thị trường kém tích cực khi thanh khoản kém và vẫn sẽ có nhiều biến động khi bối cảnh thị trường thực sự chưa có nhiều điểm sáng:

Về yếu tố tiêu cực, ông Huy cho rằng áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới, Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và ẩn số từ xung đột Ukraine là rất lớn. Đặc biệt là sau khi nghỉ lễ 4 ngày (30/04 và 01/05) chúng ta sẽ đối diện với kỳ họp tiếp theo của FED, được dự báo sẽ có những quyết định nâng lãi suất dứt khoát. Trong nước, có hiện tượng bán ra để phân bổ lại dòng vốn giữa các kênh đầu tư.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng thị trường đang ở thời điểm nhạy cảm, khúc cua của chính sách tiền tệ, tài khóa, bước ngoặt của thị trường cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa….Về áp lực giải chấp margin có xuất hiện, song theo ghi nhận tại nhiều nguồn cho thấy áp lực này không phải quá lớn. Lực bán lớn hơn có thể đến từ việc phân bổ lại nguồn vốn khi Covid kết thúc.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: