Chuyên gia VDSC: Giai đoạn hiện tại không phải “ăn xổi” mà phải chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn

Chuyên gia VDSC: Giai đoạn hiện tại không phải "ăn xổi" mà phải chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn

GĐ Phân tích VDSC cho biết tăng trưởng EPS trong năm nay khoảng 20%, P/E thị trường rơi vào mức 13 lần. So sánh với các năm trước đây, mức P/E hiện tại đang rất hấp dẫn, tuy nhiên lại có sự phân hoá, chọn lọc cho từng nhóm ngành và từng cổ phiếu.

Thông tin về lạm phát của Mỹ đã được công bố cách đây vài ngày. Cụ thể, tháng 5 ghi nhận mức cao kỷ lục 8,6%, hơn nhiều lần dự báo trước đó của giới chuyên gia. Sau đó, rạng sáng ngày 16/4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố nâng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994, điều này phù hợp với kỳ vọng. 

Tại Talkshow “Chọn danh mục”  do Báo đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có những đánh giá về tác động của lạm phát đối với Việt Nam. Cụ thể, yếu tố lạm phát đến từ giá hàng hóa, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí hàng hóa tăng cao và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước sắp tới.

Theo đó, chuyên gia VDSC cho biết tăng trưởng EPS trong năm nay khoảng 20%, P/E thị trường rơi vào mức 13 lần. So sánh với các năm trước đây, mức P/E hiện tại đang rất hấp dẫn, tuy nhiên lại có sự phân hoá, chọn lọc cho từng nhóm ngành và từng cổ phiếu.

Đối với nhóm ngân hàng, bà Phương Lam giữ mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Bởi kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và NIM của các ngân hàng vẫn duy trì ổn định, nhất là chi phí tín dụng có thể giảm do nhiều ngành nghề đã đi vào hoạt động trở lại. Do đó, lợi nhuận ngân hàng có thể duy trì tăng trưởng 2 chữ số.

Đối với nhóm bất động sản, nhiều yếu tố sẽ mang đến bất ngờ và tính mùa vụ rơi vào quý IV. Đặc điểm của các doanh nghiệp BĐS phụ thuộc vào tiến độ thi công công trình và khả năng bàn giao nhà đúng hạn. Diễn biến lạm phát có thể làm chậm lại tiến trình thi công của các doanh nghiệp, nhưng điều này sẽ không quá lớn nên mức điều chỉnh dự báo lợi nhuận doanh nghiệp BĐS có thể nhiều hơn so với mặt bằng chung trên thị trường.

Đối với ngành thủy sản, chuyên gia VDSC đánh giá ngành thuỷ sản có mức tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên về kết quả kinh doanh của nhóm này sẽ có sự phân hóa. Những ngành không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc hoặc tỷ trọng xuất khẩu sang TQ không quá lớn, có thể tìm kiếm và bù đắp sang các thị trường khác sẽ có kết quả kinh doanh tích cực. Thực tế, thị trường cũng đã nhận ra điều này ở nhóm thủy sản khi cổ phiếu không xảy ra điều chỉnh bất chấp xu hướng kém tích cực của thị trường chung.

Đối với dệt may, đồng quan điểm với ngành thủy sản, kết quả kinh doanh nhóm dệt may cũng có sự phân hóa. “Nhóm này có sự tăng trưởng tuy nhiên, chúng tôi không thấy sự co dãn về cầu ở nhóm dệt may cao hơn thủy sản. Nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc phần lớn vào TQ nên chính sách của TQ cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp dệt may, cũng như biên lợi nhuận của ngành khó có thể tích cực như ngành thủy sản. Trong xu hướng chung, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí có thể có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc tốt hơn so với ngành“, chuyên gia đánh giá. 

Thêm vào đó, ở các nhóm liên quan đến hàng hóa, chuyên gia CK Rồng Việt kỳ vọng giá hàng hóa nguyên vật liệu có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm, đồng nghĩa với khả năng mở rộng lợi nhuận của nhóm này không còn nhiều. Do đó, bà khuyến nghị nhà đầu tư có thể đầu tư ngắn hạn thay vì nắm giữ trung và dài hạn.

Việc đầu tư, quan tâm và chú ý đến nhóm ngành nào sẽ phụ thuộc vào mục đích của NĐT khi tham gia thị trường. “Giai đoạn hiện tại không phải giai đoạn “ăn xổi” nữa, mà là giai đoạn phải chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn. Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt nên các nhóm ngành hiện tại có thể hưởng lợi như Bất động sản KCN, Sản xuất, Dệt may, Thủy sản, Ngân hàng, Hàng tiêu dùng thiết yếu và Bán lẻ vẫn đang trong xu hướng tăng và có kỳ vọng tăng trưởng cao theo tăng trưởng nền kinh tế“, bà Phương Lam nhấn mạnh.

Cũng tại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu rõ ảnh hưởng từ việc Mỹ và EU tăng lãi suất, sức mua sẽ giảm tuy nhiên không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Ông Thời quan điểm những doanh nghiệp lớn có uy tín vẫn tiếp tục cải tiến và điều chỉnh giảm giá xuống cho khác hàng. “Bản thân TNG hiện nay có những khách hàng lớn và rất ổn định đến từ Pháp, Mỹ và Colombia. Các đơn hàng được xác định đến tháng 8,9 và đàm phán các đơn hàng mới cho quý I/2023. Đối với doanh nghiệp tôi quản lý và các doanh nghiệp lớn khác ở trong ngành, tình hình vẫn rất là ổn” ông chia sẻ.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: