Bên cạnh đó, những người sống tại một số làng cổ ven đê lại rơi vào thấp thỏm, lo âu khi hay tin thuộc diện phải di dời.
Đô thị ven sông Hồng. Ảnh: Hữu Nghị
Niềm vui người ở lại
Theo định hướng tại quy hoạch phân khu sông Hồng, các khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ sẽ tuân thủ theo Phụ lục III tại Quyết định số 257/QĐ-TTg gồm: Khu dân cư Chu Phan – Tráng Việt; Tàm Xá – Xuân Canh; Nhật Tân – Tứ Liên; Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2; Đông Dư – Bát Tràng và Kim Lan – Văn Đức. Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn) cũng sẽ được tồn tại, bảo vệ. Đây là những khu chưa được nêu tại Phụ lục III Quyết định số 257/QĐ-TTg, tuy nhiên đã được Bộ NN&PTNT thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng cho biết, tất cả các khu dân cư giữ lại sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, bổ sung và nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh… Đồng thời, được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ nhu cầu di dân, giãn dân, tái định cư tại chỗ. “Nội dung này của bản quy hoạch có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống Nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi của Nhân dân nhiều năm nay” – ông Đào Duy Hưng nêu.
Khi biết thông tin TP đã thông qua bản quy hoạch có liên quan đến cuộc sống của mình, nhiều người dân phía ngoài đê sông Hồng đã rất quan tâm phấn khởi vì từ nay yên tâm ổn định cuộc sống.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Sự, Tổ dân phố 7, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cho biết: “Gia đình tôi đã sinh sống tại khu vực ngoài đê này gần 40 năm đến nay đã có 3 thế hệ. Vùng bãi Tứ Liên trước đây là khu vực giãn dân phía trong đê, từ năm 2002 trở về trước thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt, đời sống sinh hoạt rất vất vả. Nhưng khoảng 20 năm nay, nước sông Hồng cạn, không có lũ, cùng đó chính quyền đầu tư xây dựng đường sá, hệ thống thoát nước, cấp nước sạch đầy đủ nên cuộc sống đã ổn định. Khi có quy hoạch biết dân cư vùng bãi Tứ Liên tiếp tục được ở lại không phải di dời đi đâu chúng tôi thấy rất vui mừng”.
Là địa phương có diện tích đất khu vực ngoài bãi sông Hồng chiếm hơn 1/3 diện tích toàn phường với khoảng 350ha và hơn 11.000 người dân sinh sống khu vực ngoài đê, Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Tạ Việt Dũng cho hay, việc ngành chức năng TP phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng làm cơ sở để tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 phục vụ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương. Đồng thời khi có quy hoạch chi tiết sẽ xem xét cấp giấy phép xây dựng nhằm phục vụ giải quyết bức xúc dân sinh do đã nhiều năm không được cấp phép xây mới (cụ thể là từ năm 2016). Khi triển khai thực hiện quy hoạch sẽ là cơ hội để địa phương được đầu tư hạ tầng đồng bộ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vũng bãi. Đồng thời giúp công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường, đê điều tại địa phương được thuận lợi hơn.
Ông Đào Khắc Thóc cũng như nhiều người dân làng Bắc Cầu đang có rất nhiều tâm tư, lo lắng khi đứng trước nguy cơ phải di dời. Ảnh: Vũ Lê
Tâm tư khi trong diện di dời
Cùng với việc xác định các khu dân cư được tồn tại, quy hoạch cũng đưa ra định hướng một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn (theo Phụ lục II của Quyết định số 257/QĐ-TTg) sẽ từng bước di dời theo quy định, đảm bảo an toàn phòng chống lũ. Theo đó, các khu dân cư Võng La – Hải Bối, Bát Tràng, Bắc Cầu, Bồ Đề, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh và một số khu dân cư khác có số hộ dân thuộc diện phải di dời sẽ thực hiện quản lý theo đúng quy định tại Luật Đê điều.
Trong đó, đang có nhiều băn khoăn, tiếc nuối là những người dân thuộc khu dân cư Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nằm trên dải đất giữa sông Hồng và sông Đuống dài gần 3km từ đê Ngọc Thụy kéo dài dọc sông. Theo Phụ lục II của Quyết định số 257/QĐ-TTg, số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu là 757 hộ. Tuy nhiên, trên thực tế nơi đây hiện có 4 tổ dân phố với 2.300 hộ dân sinh sống ổn định từ nhiều đời nay.
Theo ông Đào Khắc Thóc (84 tuổi), người dân Tổ 38, khu dân cư Bắc Cầu cho biết, Bắc Cầu là làng cổ có từ lâu đời thuộc Phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), sau đó sáp nhập địa giới về huyện Gia Lâm, nay là quận Long Biên. Xưa kia đất làng là đất liền thổ, vào thời vua Thiên Đức cho đào sông Đuống, làng mới thành nằm giữa hai con sông. Dân làng Bắc Cầu xưa có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt cửi ươm tơ và chăn nuôi. Vào năm 1971 một trận đại hồng thủy đã quét sạch mọi thứ nhưng khi nước rút dân làng lại quay về gây dựng lại nhà cửa, khôi phục cuộc sống chứ quyết không bỏ đi.
“Chính vì tình cảm gắn bó nhiều đời nếu phải di dời, chắc chắn có hộ dân không đồng tình. Để tạo được sự đồng thuận với chủ trương của Nhà nước rất mong quy hoạch được công khai, minh bạch để người dân nắm rõ sau khi di dời mảnh đất cha ông bao đời sau đó sẽ dùng vào việc gì, sử dụng ra sao. Đồng thời, phải có chính sách đền bù tái định cư hợp lý để người dân đảm bảo cuộc sống vì dân cư Bắc Cầu hiện chủ yếu là buôn bán, kinh doanh tự do” – ông Đào Khắc Thóc bày tỏ.
Ông Nguyễn Kim Ý – Bí thư Chi bộ Tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, từ năm 2007, TP đã đầu tư hàng chục nghìn khối đá để kè xung quanh khu vực nên đất làng đã không còn bị sạt lở. Đồng thời, hơn hai chục năm nay sông Hồng cũng không có lũ dâng, khu dân cư cũng được đầu tư xây dựng hạ tầng đường xá nên cuộc sống rất ổn định. Mặc dù chưa có thông báo chính thức từ chính quyền địa phương nhưng qua báo chí người dân biết được thông tin và đang có tâm tư, lo lắng.
Khu dân cư Bắc Cầu trước đây được hình thành do biến động ảnh hưởng của dòng lũ chứ không phải là đất lấn chiếm trái pháp luật, trước đây đã có thời điểm chú trọng đầu tư xây dựng, khuyến khích di dân ra khu vực này. Do vậy, muốn tạo được sự đồng thuận khi di dời, chính quyền nên thực hiện điều tra xã hội học, lấy ý kiến người dân, trên cơ sở đó có chính sách tái định cư thích hợp, tạo thuận lợi cho người dân di dời. Theo quy hoạch mới được duyệt, các khu vực đất bãi được phép xây dựng, mở rộng phục vụ di dân cần chú trọng đầu tư không chỉ có chất lượng sống tốt hơn mà còn phải phù hợp với phong cách sống vốn đã quen từ lâu đời của người dân. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm |
iframe#playerVideo{
width: 100%;
}
Nguồn: cafeland.vn