Có ưu điểm lẫn nhược điểm, song ví điện tử đang trở thành xu hướng thanh toán tất yếu của giới trẻ.
Người trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thông thường, ngay lập tức nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trả tiền qua thẻ ngân hàng, chẳng hạn như thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ. Song, thực chất, ví điện tử mới là phương thức thanh toán đang “xâm chiếm vũ trụ” giới trẻ.
Hầu hết những người đang trong độ tuổi 20, ngay cả 30 hay 40, cũng đều có ít nhất 1 ứng dụng ví điện tử trong điện thoại. Có rất nhiều lý do, một phần là bởi vì nhiều ứng dụng mua sắm, đặt đồ ăn phải liên kết với ví điện tử tương thích, thanh toán sẽ tiện lợi hơn. Mặt khác, khi mới sử dụng sẽ có rất nhiều mã giảm giá kích cầu chi tiêu, dần dần nó trở thành một thói quen trong người trẻ.
Cùng gặp gỡ 3 bạn trẻ đã rơi vào “vũ trụ ví điện tử” để tìm hiểu xem từ sau khi sử dụng phương thức thanh toán này, thói quen chi tiêu của họ đã thay đổi như thế nào.
1. Chi Anh, 25 tuổi, nhân viên văn phòng, thu nhập trung bình khoảng 15 triệu/ tháng
2. Trúc Thông, 28 tuổi, Marketing Manager, thu nhập trung bình khoảng 35 triệu/ tháng
3. Bảo Vân, 23 tuổi, làm trong công ty kiểm toán, thu nhập trung bình khoảng 15 triệu/ tháng
Ví điện tử bắt đầu “du nhập” và phổ biến ở Việt Nam vào năm 2014, 2015. Đây cũng là khoảng thời gian những bạn Gen Z đời cuối và 9x đời đầu vào tuổi 20, thời điểm phù hợp để tiếp nhận những cái mới.
Chi Anh chia sẻ rằng bản thân đã sử dụng điện tử từ khi các ứng dụng này bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. “Lý do mình “bắt trend” nhanh là vì thấy ở nước ngoài, thanh toán không tiền mặt rất phổ biến, rất tiện và hiện đại. Khi ở Việt Nam xuất hiện hình thức này mình rất háo hức và ủng hộ”.
Cũng giống như Chi Anh, Trúc Thông thậm chí còn không nhớ được lần đầu tiên mình dùng ví điện tử là khi nào. Có lẽ là khoảng thời gian Trúc Thông học đại học.
Cả 3 cô bạn đều sử dụng nhiều ứng dụng ví điện tử khác nhau, chủ yếu là cho các nhu cầu thanh toán online, liên kết tương thích với nhiều ứng dụng để thuận tiện hơn. Ngoài ra là để chuyển khoản cho bạn bè và người thân, bởi vì lúc ban đầu, chuyển tiền qua những ví điện tử này hoàn toàn miễn phí không giống như qua ngân hàng sẽ phải trả một số phí nhất định.
“Mình biết đến ví điện tử khi học năm nhất. Sử dụng ví điện tử để thanh toán sẽ rẻ hơn rất nhiều vì có các mã giảm giá, điều mà một sinh viên như mình rất cần. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, với cả mình cũng là tín đồ của voucher nữa.” Bào Vân chia sẻ.
Có những ưu và nhược điểm riêng, song ví điện tử đang trở thành xu hướng thanh toán tất yếu
Khi được hỏi về ưu và nhược điểm khi sử dụng ví điện tử, cả 3 cô bạn đều có những câu trả lời khá giống nhau. Điểm đầu tiên không thể không nhắc tới khi sử dụng ví điện tử đó chính là sự tiện lợi. “Mình không cần mang theo ví tiền ra đường nữa, đồng thời cũng cảm thấy việc thanh toán như vậy nhanh gọn lẹ, tốt hơn cho cả 2 bên.”, quan điểm của Chi Anh.
Ví điện tử cũng có rất nhiều mã ưu đãi từ việc trở thành người dùng mới cho đến câu chuyện tích điểm đổi voucher. “Hồi mới ra Hà Nội học, chưa thông thạo ngõ ngách phố phường nên thường hay sử dụng xe công nghệ. Do liên kết với ví của ứng dụng luôn, thành ra có nhiều chuyến đi mất có 2-3k. Cái này cũng áp dụng luôn với những ứng dụng đặt xe công nghệ, nhiều chuyến xe miễn phí luôn ấy.”, cô bạn Bảo Vân chia sẻ.
Ngoài ra, nó cũng phù hợp với một cuộc sống “không tiền mặt” như bây giờ. Không còn nỗi lo phải chờ “thối” tiền lẻ, quên đem tiền hay phải chuẩn bị quá nhiều khi ra khỏi nhà.
Song, cái nào cũng có 2 mặt, và ví điện tử cũng không nằm ngoài câu chuyện đó. Nhược điểm đầu tiên của đó chính là quá dễ thanh toán. Thường chúng ta sẽ sử dụng ví điện tử để đặt hàng online thông qua các ứng dụng, và rất ít thao tác. “Sử dụng Face ID, nhiều khi còn chưa kịp định hình đã thanh toán xong rồi. Thế là tiền ra đi không kịp suy nghĩ. Trong khi đó, nếu sử dụng tiền mặt chúng ta thường sẽ có cảm giác mình đang chi tiêu tiền nhiều hơn.”, quan điểm của Bảo Vân.
Ngoài ra, sử dụng ví điện tử cũng thường không được bảo mật về thông tin. Chẳng hạn như cô bạn Trúc Thông chia sẻ rằng, bạn của Trúc Thông vào năm ngoái đã bị rút hết sạch tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với 1 ví điện tử. Trong tối đó, cũng có nhiều người sử dụng ví điện tử và ngân hàng đó đã đăng tải lên thông tin này. Tuy nhiên, ngân hàng bảo rằng đó là lỗi bảo mật của bên ví điện tử. Và cho đến bây giờ, số tiền đó vẫn chưa được có hướng giải quyết hay được trả lại.
Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế chẳng hạn như thường xuyên bị lỗi thanh toán, tiền treo cả ngày mới về. Cũng chưa có nhiều cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng ví mà chủ yếu là qua online. Điều này cũng khiến việc chi tiêu trở nên bất tiện đôi chút.
Nhiều nơi trên thế giới đã gần như trở thành một quốc gia không dùng tiền mặt, thậm chí là cả thẻ ngân hàng. “Đây nên là xu hướng phát triển của ví điện tử, tuy nhiên mình nghĩ trong tương lai gần, điều này chưa thể thành hiện thực được. Nếu muốn thay thế cho 2 phương thức kia thì cần “phổ cập” ví điện tử đến mọi người và cần 1 duy nhất có thể dùng chung.”, suy nghĩ của Anh Chi trong câu chuyện ví điện tử ngày càng phổ biến hơn.
Một số thói quen chi tiêu thay đổi
Hầu hết mọi người bắt đầu sử dụng ví điện tử là do có nhiều mã giảm giá, khiến các khoản chi tiêu trở nên tiết kiệm hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đôi lúc nó cũng là chất xúc tác khiến ta tiêu dùng cho những món đồ hay dịch vụ không cần thiết.
“Đây là điều tương tự như mã giảm giá, voucher của các ứng mua sắm. Mọi người nghĩ rằng mình tiết kiệm được tiền nhờ voucher nhưng thật ra nếu ngay từ đầu không có voucher, chúng ta chưa chắc đã định tiêu khoản tiền đó. Vì vậy, ví điện tử khiến mình chi tiêu nhiều hơn”, quan điểm của Anh Chi.
Tuy nhiên, Anh Chi cũng nhấn mạnh rằng bản thân cô không có ý định thay đổi điều này bởi thường sẽ không mua những món đồ hay dịch vụ có giá trị lớn qua ví. Do vậy số tiền chi tiêu qua ví cũng không nhiều đến mức có thể bị coi là lạm phát lối sống.
Cùng suy nghĩ với Anh Chi, Trúc Thông cho rằng, nếu mã giảm giá thực sự hấp dẫn sẽ khiến người dùng mua thêm những thứ không cần thiết. Tuy nhiên, xét về tổng quan, ví điện tử vẫn mang đến con người dùng nhiều trải nghiệm tốt hơn là xấu, tiết kiệm và thuận tiện hơn rất nhiều.
Khi đã quen với việc sử dụng ví điện tử, cũng sẽ có một vài thói quen tiêu dùng theo đó mà thay đổi so với trước. Chẳng hạn như từ ngày có ví điện tử, Bảo Vân ít mang tiền mặt hơn. Bên cạnh đó, thêm thói quen mỗi ngày đều vào ứng dụng để mua nạp tiền điện thoại bởi vì qua ví điện tử sẽ được chiết khấu đi khá nhiều.
“Hay như khi mua nước uống, đồ ăn lặt vặt, mình sẽ chọn đến các chuỗi cửa hàng tiện lợi hay siêu thị có thanh toán ví điện tử để mua thay vì vào hàng tạp hóa truyền thống như trước đây. Mình nghĩ đây đều là những thói quen giúp bản thân tiết kiệm thời gian và thấy mình sống “hiện đại” hơn nên mặt tích cực vẫn nhiều hơn tiêu cực.”, Anh Chi cũng có những trải nghiệm khá tốt khi sử dụng ví điện tử.
Nguồn: cafef.vn