Dòng tiền đổ vào nhóm chứng khoán khi hầu hết cổ phiếu đã chiết khấu sâu đến 70% từ đỉnh và nhiều khả năng kết quả kém sắc trong quý 2 đã được phản ánh vào diễn biến giá giai đoạn xuống đáy trước đó.
VND: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Sau pha “trượt chân” tuần đầu tháng 7, thị trường chứng khoán đã hồi lại đôi chút nhưng vẫn chật vật quanh vùng đáy cũ xác nhận hồi trung tuần tháng 6. VN-Index không có sự cải thiện về mặt điểm số so với thời điểm cách đây 1 tháng khi thanh khoản gần như chỉ loanh quanh 10.000 tỷ khớp lệnh mà chưa thể bứt lên.
Trong bối cảnh đó, cổ phiếu nhóm chứng khoán lại bắt ngờ phát tín hiệu hồi phục tương đối lạc quan. Một loạt cái tên đã đảo chiều hồi mạnh từ đáy cùng mức tăng hàng chục % có thể kể đến như VND (+20%), SSI (+28%), HCM (+46%), VCI (+32%), MBS (+33%), SHS (+25%), VDS (+26%), FTS (+44%),…
Giao dịch trên nhóm chứng khoán cũng sôi động trái ngược với diễn biến có phần ảm đạm của thị trường chung. Thanh khoản của nhiều cổ phiếu trong một tháng qua đã có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Nổi bật phải kể đến 2 đầu tàu VND và SSI đều có khối lượng khớp lệnh bình quân phiên tăng vọt và lọt vào top đầu thị trường.
Dòng tiền đổ vào nhóm chứng khoán khi hầu hết cổ phiếu đã chiết khấu sâu đến 70% từ đỉnh là điều không bất ngờ. Thời điểm xuống đáy hồi trung tuần tháng 6, P/B của hầu hết các CTCK đã dưới 2, thậm chí nhiều cổ phiếu còn dưới 1. Mức định giá này hợp lý hơn nhiều so với giai đoạn bùng nổ hồi cuối tháng 11 năm ngoái đã kích thích cầu bắt đáy nhóm chứng khoán khi khó khăn trong ngắn hạn đã vơi dần.
Quý 2 vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất đối với nhóm chứng khoán kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ vào thị trường. Thanh khoản sụt giảm mạnh cùng biến động không thuận lợi của thị trường được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các CTCK. Thực tế đã có một số cái tên báo lãi giảm sâu như AGR, VIX, thậm chí LVS còn lỗ. Dù vậy, nhiều khả năng kết quả kém sắc trong quý 2 đã được phản ánh vào diễn biến giá giai đoạn xuống đáy trước đó.
Thêm nữa, quy chế thanh toán bù trừ mới “T+1,5” dự kiến áp dụng từ cuối tháng 8 được kỳ vọng sẽ góp phần cởi nút thắt thành khoản thị trường. Chu kỳ thanh toán được rút ngắn nửa ngày giúp vòng quay giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa nhà đầu tư sẽ trả phí giao dịch nhiều lần hơn nếu “lướt lát” thường xuyên và các CTCK cung cấp dịch vụ có thể được hưởng lợi đôi chút từ hoạt động thu phí.
Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng quá nhiều vào quy chế mới sẽ tạo ra bước đột phá và giải quyết triệt để nút thắt thanh khoản bởi tâm lý nhà đầu tư có phần bị bó buộc bởi lo ngại về xu hướng tăng lãi suất. Theo Dragon Capital, việc giảm bớt cung tiền để ổn định lạm phát và duy trì sức mạnh của VND có thể được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu Fed tăng 75 và 50 điểm lãi suất trong 2 kỳ họp tới, Việt Nam cũng có thể phải tăng lãi suất 50 điểm vào quý 4 năm nay.
Ngay cả khi không còn môi trường tiền rẻ, chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn tại Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Dựa trên đánh giá về sự phục hồi diễn ra trên mọi mặt của nền kinh tế trong nửa cuối năm, Dragon Capital dự báo Top 80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng EPS 20,8%.
Do đó, triển vọng ngành chứng khoán được đánh giá rất khả quan trong dài hạn với động lực chủ yếu đến từ lớp nhà đầu tư mới. Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh thời gian gian qua tuy nhiên tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán tại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… Theo Dragon Capital, tăng trưởng nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Nguồn: cafef.vn