Tuần giao dịch vừa qua (18-22/7/2022) là một tuần diễn biến khá tích cực với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Có tới 18/27 cổ phiếu tăng giá tuần qua, trong khi chỉ 1 cổ phiếu không đổi và 8 cổ phiếu giảm giá. Các ngân hàng đang trong mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2022 và đa số có kết quả kinh doanh khả quan.
Sắc xanh chiếm chủ đạo
PGB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần này, đóng cửa ở giá 22.700 đồng/cp, tăng 22,7% so với cuối tuần trước. Trong đó, PGB tăng kịch trần 15% trong 2 phiên 19-20/7/2022, được cho là nhờ thông tin Petrolimex chuẩn bị thoái 40% vốn tại PGB. Cụ thể, ngày 19/7, PGBank đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Petrolimex tại PGBank thông qua hình thức đấu giá công khai.
Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là VIB (8%), ABB (4,7%), MSB (4,6%), TPB (3,5%),…
Trong đó, đáng chú ý, TPB tăng giá mạnh kèm thanh khoản cải thiện rõ rệt. Hơn 10 triệu cổ phiếu TPB được giao dịch khớp lệnh trong tuần vừa qua, giá trị gần 290 tỷ đồng, tăng tới 93% so với tuần trước đó. Ngoài ra, ở phương thức thoả thuận, trong tuần qua có hơn 7,3 triệu cổ phiếu TPB được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Cổ phiếu TPB cũng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi là một trong 3 mã được gom mạnh nhất tuần qua. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 1,6 triệu cổ phiếu TPB, nâng sở hữu lên hơn 474,5 triệu cp, chỉ còn “hở” hơn 49.000 đơn vị nữa sẽ kín “room” 30%.
Ở chiều ngược lại, có 8 cổ phiếu giảm giá, trong đó SGB giảm mạnh nhất (-4,5%), tiếp đến là SHB (-2%), NVB (-1,3%),..và các mã khác như BID, KLB, EIB, CTG, VPB nhưng mức giảm dưới 1%.
Khối ngoại mua ròng nhiều mã
Thanh khoản toàn ngành trong tuần đạt hơn 8.600 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 8.900 tỷ đồng của tuần trước. Các mã đứng đầu về giá trị giao dịch khớp lệnh là STB, VPB, SHB, MBB,…Một số cổ phiếu có thanh khoản tăng mạnh như TPB, LPB, HDB, MSB,…
Chẳng hạn tại HDB, hơn 6,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong tuần qua, giá trị hơn 151 tỷ đồng, gấp đôi tuần trước đó. Ngoài ra, HDB ghi nhận lượng lớn cổ phiếu được giao dịch theo phương thức thoả thuận, với hơn 17,3 triệu cp được trao tay, giá trị hơn 414 tỷ đồng.
Về thị giá, cổ phiếu HDB tuần này đóng cửa ở mức 23.800 đồng/cp, tăng 0,8% so với cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 300.000 cổ phiếu này.
Về giao dịch của khối ngoại, ngoài TPB và HDB được mua ròng, nhiều cổ phiếu khác cũng được gom mạnh như LPB (mua ròng hơn 6 triệu đơn vị), CTG (hơn 2 triệu đơn vị), OCB (hơn 470.000 đơn vị),…
Đối với OCB, đây là tuần mua ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ đầu tháng 7. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã nâng sở hữu tại OCB lên hơn 297,4 triệu cp, tương đương 21,71%, gần đạt mức tối đa 22%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu thêm khoảng 3,9 triệu cp OCB nữa sẽ kín room.
Giá cổ phiếu OCB cũng diễn biến tích cực trong tuần này khi tăng 0,9% lên 17.600 đồng/cp. Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá khoảng 4,8%. Thanh khoản OCB ổn định, đạt trung bình 1 triệu cổ phiếu/phiên.
Hơn 10 nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm
Các ngân hàng đang trong mùa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 và đa số có kết quả kinh doanh khả quan.
Tại TPBank (TPB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 3.787 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên 151.084 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay duy trì ở mức thấp 0,85%.
HDBank (HDB) chưa công bố báo cáo tài chính nhưng hé lộ lợi nhuận 6 tháng vượt kế hoạch. Hết quý 2, tăng trưởng huy động của nhà băng đạt trên 11% so với 31/12/2021, gấp hơn 2 lần bình quân toàn ngành. Tín dụng tăng trên 14% với động lực đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính: bán lẻ, SME và tài chính tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%, mức thấp so với ngành.
Trong hơn 10 ngân hàng đã công bố BCTC đến cuối tuần này, VPBank (VPB) đang là nhà băng có lợi nhuận cao nhất, đạt hơn 15.300 tỷ trong nửa đầu năm 2022, LienVietPostBank (LPB) là ngân hàng có tăng trưởng cao nhất (tăng 75% so với cùng kỳ).
Dự kiến đến hết tuần sau, 27 ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán sẽ hoàn tất công bố BCTC.
Trong báo ngành mới phát hành, SSI Research cho biết các cổ phiếu ngân hàng đã giảm 6% – 40% so với đầu năm. Theo đó, định giá của các ngân hàng thuộc phạm vi phân tích của nhóm đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí đã có chỉ số P/B thấp hơn một độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm.
Theo SSI Research, các yếu tố giúp cổ phiếu ngân hàng diễn biến tốt trong thời gian tới gồm: (1) Lạm phát thấp hơn dự kiến, làm giảm áp lực tăng lãi suất và mở ra khả năng nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng nếu các ngân hàng đáp ứng các điều kiện nhất định của NHNN; (2) Dự thảo sửa đổi Nghị định 153 với nội dung ít nghiêm ngặt hơn sẽ được thông qua; (3) Kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được thực hiện thành công.
Nguồn: cafef.vn