Hoạt động cân đối nguồn của hệ thống ngân hàng vừa chứng kiến cú đảo pha đột ngột trên thị trường mở và liên ngân hàng.
Như cập nhật vừa qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu tăng mạnh từ đầu tuần đến nay. Xu hướng này hôm nay tiếp tục đột biến, các dòng chảy liên quan cũng đột ngột thay đổi.
Cụ thể, hôm nay (22/7) thị trường đánh dấu phiên đầu tiên sau khoảng hai tháng qua Ngân hàng Nhà nước “ngừng” hút bớt tiền về; trong khi đó nguồn bơm ròng qua cầm cố trên thị trường mở (OMO) ghi nhận khối lượng đột biến.
Kết quả cuối ngày cho thấy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu tín phiếu ở kỳ hạn 56 ngày nhưng kết quả không có một đồng nào khớp để hút về. Kết quả này không bất ngờ, vì trước đó quy mô hút về ở kênh này đã giảm thiểu hẳn rồi chỉ còn rất ít trong hôm qua. Tổng lượng tiền “nhốt” bớt qua tín phiếu cũng giảm mạnh từ trên 170 nghìn tỷ đồng xuống chỉ còn quanh 120.000 tỷ đồng.
Hiện tượng đảo pha thể hiện ở hoạt động bơm ròng hỗ trợ hệ thống qua OMO. Thực ra kênh này suốt thời gian qua Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì lượng chào thầu 5.000 tỷ đồng hàng ngày nhưng lượng khớp rất hạn chế, chỉ xoay quanh 300 tỷ đồng/ngày với một vài thành viên. Nhưng hôm nay, gần như toàn bộ 5.000 tỷ đồng tiếp sức đó đã được mượn hoàn toàn, và có tới 7 thành viên tham gia, lãi suất vẫn cố định ở 2,5%/năm.
Như vậy, Nhà điều hành đã “ngừng” hút bớt tiền về, không những thế còn bơm ròng đột biến gần 5.000 tỷ đồng qua OMO. Cộng với lượng tiền hút về trước đó qua tín phiếu lần lượt đáo hạn, trạng thái bơm ròng đang thể hiện.
Nhìn lại cả quá trình, hai tháng trước, sau khi có hiện tượng ứ đọng vốn trong hệ thống và lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng xuống quanh 0,4%/năm, chênh lệch thấp lớn với lãi suất USD trên cùng thị trường, tỷ giá USD/VND biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về.
Với cường độ hút tiền về lớn và liên tiếp, lãi suất VND đã tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng, đặc biệt đột biến trong ba phiên gần đây. Cập nhật đến sáng nay lãi suất VND đồng loạt tăng vọt ở các kỳ hạn ngắn; riêng lãi suất qua đêm đã lên tới 2,57%, kỳ hạn 1 tuần lên tới 2,68% và 2 tuần lên 2,77%/năm (các kỳ hạn này đều tăng mạnh quanh 0,4 điểm phần trăm so với hôm qua).
Qua diễn biến này, lãi suất VND đã cao vượt trội so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, qua đó góp phần giảm thiểu áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá USD/VND. Thời gian qua, một số chuyên gia quan sát thị trường này vẫn đặt ra khả năng có tình huống ngân hàng dùng VND mua USD và cho vay USD ngắn hạn trên liên ngân hàng vì có lãi suất cao gấp nhiều lần so với dùng VND cho vay bằng VND. Tình huống này làm tăng thêm cầu ngoại tệ và thêm áp lực đối với tỷ giá…
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc điều tiết lại, thiết lập lại cân đối lãi suất USD với VND trên thị trường liên ngân hàng.
Trong cú đảo pha hôm nay, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước lại thể hiện vai trò bình ổn lãi suất khi bơm ròng lượng lớn qua OMO. Lãi suất Nhà điều hành cho vay qua OMO chỉ 2,5%/năm như một chốt chặn, bởi nếu ngân hàng nào đó khó vay trên liên ngân hàng với lãi suất cao hơn thì có thể tìm đến cửa này với lãi suất chỉ 2,5%/năm; tuy nhiên, ở đây phải có giấy tờ có giá để cầm cố.
Là một quá trình điều tiết hai tháng qua, nhưng những diễn biến đảo pha trên diễn ra đột ngột trong hôm nay, khi lãi suất liên ngân hàng tăng quá nhanh và cao. Điều này cũng phản ánh trạng thái cân thanh khoản hệ thống tạm thời cần hỗ trợ, không còn dư thừa như trước. Ngân hàng Nhà nước đã không còn hút tiền về lớn như vừa qua, đảo chiều chuyển sang bơm ròng.
Và liên quan, thị trường kỳ vọng “nút thắt” tăng trưởng tín dụng được nới dần để vốn đi ra thị trường thay vì ứ đọng tạm thời như vừa qua.
Nguồn: cafef.vn