Hoạt động trading – “lướt sóng” các cổ phiếu đầu cơ dần ít đi, thay vào đó, nhà đầu tư nên tập trung vào việc lựa chọn những cổ phiếu có nội tại tốt và triển vọng sáng lạn để nắm giữ dài hạn. Vậy đâu là những doanh nghiệp cần “né” với quyết định đầu tư lâu dài?
Sau giai đoạn hai năm thăng hoa và bùng nổ, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong vài tháng gần đây đã khiến cơ hội đầu tư và lợi nhuận không còn dễ dàng như trước đó. Hoạt động trading – “lướt sóng” các cổ phiếu đầu cơ nhằm thu lãi nhanh dần vắng bóng trên thị trường. Thay vào đó, giới chuyên gia đều đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào việc lựa chọn những cổ phiếu có nội tại tốt và triển vọng sáng lạn để nắm giữ dài hạn, thận trọng hơn nhằm tránh những quyết định gây ra thua lỗ. Vậy đâu là những doanh nghiệp cần “né” với quyết định đầu tư dài hạn?
Trong bài phân tích mới đây của ông Bùi Huy Tú – founder VNstockmarket, với kinh nghiệm đầu tư của người làm đầu tư M&A nhiều năm cho Quỹ đầu tư, Tập đoàn, nếu cân nhắc để đầu tư chứng khoán dài hạn, nhà đầu tư cần nắm rõ những kinh nghiệm “xương máu” để tránh xuống tiền vào những mã cổ phiếu hay doanh nghiệp không phù hợp.
Thứ nhất, một nhà đầu tư dài hạn không nên có những quyết định vào các cổ phiếu “không chính trực”.
“Không chính trực” ở đây là việc cổ phiếu đang tiềm ẩn những rủi ro đạo đức tại cả doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp.
Dấu hiệu để nhà đầu tư có thể nhận diện sự “không chính trực” của một cổ phiếu có thể xét đến là việc doanh nghiệp đó thường xuyên thay đổi đơn vị kiểm toán, có thể 2 đến 3 năm lại thay 1 lần, thậm chí đổi từ công ty kiểm toán lớn và uy tín sang một công ty kiểm toán ít danh tiếng hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường xuyên chậm trễ trong việc công bố thông tin, báo cáo tài chính các kỳ cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến mức độ uy tín của cổ phiếu công ty đó.
Ngoài ra, một cổ phiếu thường xuyên được lãnh đạo hoặc người thân lãnh đạo công bố mua/bán giao dịch hoặc thực hiện giao dịch mua bán cổ phiếu (bao gồm cả giao dịch công khai) cũng cần được xem xét kỹ vì đây có thể là những dấu hiệu tạo lập giá cổ phiếu từ ban lãnh đạo để đầu tư dài hạn.
Hay, việc lãnh đạo đồng thời có cổ phần/lợi ích (có thể qua người thân) ở các doanh nghiệp khác mà có giao dịch kinh tế với doanh nghiệp đang được lựa chọn cũng là yếu tố cần được để ý khi xác định tính chất minh bạch của cổ phiếu. Điều này không chỉ đơn giản là những người đứng đầu doanh nghiệp mua cổ phiếu đang không tập trung hết công sức vào việc phát triển tập đoàn; mà việc có giao dịch kinh tế giữa các công ty đồng lợi ích này, tiềm ẩn các nguy cơ lợi dụng chuyển giá, chuyển lợi nhuận và các lợi ích kinh tế khác từ tập đoàn sang các công ty riêng của các vị lãnh đạo. Như vậy, lợi ích cho các cổ đông nhỏ lẻ, không có quyền kiểm soát công ty sẽ bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, danh sách cơ cấu cổ đông “bí ẩn” và hệ thống quản trị kinh doanh không lành mạnh sẽ khiến việc đầu tư vào doanh nghiệp cần được cân nhắc kỹ càng. Rủi ro sẽ tăng lên nếu doanh nghiệp không có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, Chủ tịch thậm chí sẽ kiếm thực quyền Giám đốc điều hành, gây ra thiệt hại cho cổ đông.
Nói về lý do vì sao cần loại bỏ những cổ phiếu “không chính trực”, hiểu cách thuần túy nhất, đầu tư là việc nhà đầu tư đang gửi tiền cho người khác thực hiện ý tưởng, chiến lược kinh doanh của họ. Điều trước tiên cần xem xét trước khi góp vốn với người khác là người ta có đáng tin hay không.
Kể về câu chuyện thực tế khi đầu tư dài hạn, ông Tú cho biết khoảng năm 2020 – 2021 là những giai đoạn thực hiện cấm biên gay gắt khiến hoạt động nhập lậu các hàng hóa qua đường biên giới (đặc biệt qua khu vực Campuchia và Laos) bị kiểm soát mạnh. Nhận thấy điều đấy, Vnstockmarket đã tiến hành tăng thêm vốn đầu tư cho danh mục một công ty sản xuất loại hàng hóa tiêu dùng, loại hàng đang bị cạnh tranh trực tiếp từ loại hàng hóa nhập lậu với kỳ vọng hưởng lợi. Cùng với đó, những dấu hiệu khác trên bảng báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp cho thấy những dấu hiệu doanh thu tăng trưởng đột biến trong giai đoạn này như khoản mục nguyên vật liệu, phải trả nhà cung cấp… tăng đột biến.
Tuy vậy, “mặc dù triển vọng rất tốt, song chúng tôi “không hiểu sao” kết quả kinh doanh ghi nhận trong thời điểm đó của doanh nghiệp lại “rất bình thường” chứ không đột biến như kỳ vọng đã đặt ra”, vị chuyên gia này cho hay. Sau đó, mặc dù cổ phiếu công ty vẫn tăng trưởng tương đối tốt nhưng chủ yếu là do xu hướng của thị trường, trong khi một phần lớn thu nhập của doanh nghiệp được cho đã tuột khỏi tầm tay của những cổ đông nhỏ lẻ.
Thứ hai, Vnstockmarket khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn không lựa chọn các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư, kinh doanh không nhất quán với công bố.
Cụ thể, đó là việc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm không liên quan với danh mục sản phẩm hiện thời của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp có các hoạt động đầu tư hoặc mua cổ phần (M&A) các công ty khác ở những lĩnh vực kinh doanh không liên quan với hệ thống eco-system có sẵn hay doanh nghiệp thành lập các công ty con, góp vốn kinh doanh ở các lĩnh vực không liên quan.
Giai đoạn 2005-2010, thị trường đã từng một lần chứng kiến các cổ phiếu của các tập đoàn đa ngành nổi lên trên thị trường chứng khoán. Một phát biểu tự tin khiến mọi người nhớ mãi rằng: “Ở đâu có thể kiếm được lời thì chúng tôi đầu tư”.
Sau khi làm việc với nhiều chủ tịch ở các thương vụ M&A thời điểm đó, một điều được vạch ra rằng hầu hết các Chủ tịch của các Tập đoàn đó đều là những người có niềm tin và quan điểm rất mạnh mẽ về các nhận định kinh doanh của mình, kéo theo niềm tin không ít người cùng đồng hành để xây dựng các đế chế kinh doanh.Tuy nhiên không phải lúc nào họ cũng đúng, và đôi khi nhận định cùng với quyết định của họ quá chủ quan và quá tự tin.
Bởi lẽ, việc đầu tư dàn trải lại là một trong những hệ quả xuất phát từ sự “quá tự tin” trên, dẫn đến việc không thể kiểm soát và thua lỗ lớn. Rất nhiều tập đoàn đa ngành trên thế giới cũng đã rơi vào đống hỗn độn tài chính của các công ty con, trước khi bị phanh phui phá sản như Enron. Ngay tại thị trường Việt Nam, nhiều tập đoàn đa ngành cũng rơi vào nợ nần, thậm chí đến hiện tại cũng chưa hoàn toàn thoát ra được.
Thứ ba, nhà đầu tư nên loại bỏ các doanh nghiệp “phá” kế hoạch tài chính.
Dấu hiệu của yếu tố này liên quan đến việc doanh nghiệp liên tục huy động vốn với lượng quá lớn thông qua phát hành cổ phần mới và bán cổ phiếu ưu đãi. Hoặc, doanh nghiệp sở hữu lượng vay quá lớn, thông qua cả vay định chế tài chính hay phát hành trái phiếu, từ đó đẩy tỷ lệ Nợ vay/ Vốn CSH lên quá cao do với trung bình toàn ngành. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn thực hiện phát hành cổ phiếu hay trái phiếu chuyển đổi để mang tiền về với bản chất là để trả nợ vay.
Những hoạt động này, theo Vnstockmarket, đều khiến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp không đảm bảo, dẫn đến triển vọng tương lai của doanh nghiệp không thể bền vững.
Nguồn: cafef.vn