Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, để chống lạm phát chi phí đẩy tăng lãi suất không phải là biện pháp hiệu quả. Điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu.
“Bởi lẽ, xăng dầu của Việt Nam đang đánh thuế 40%, giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hoá tăng giá”, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết. “Bóng ma” lạm phát đang ám ảnh các quốc gia trên thế giới, được hình thành từ sự chủ quan, tin rằng việc tung hàng chục nghìn tỷ USD tung ra để đỡ nền kinh tế trong dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng gì lớn. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, thực tế lại không như vậy. Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 40 năm qua.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga – Ukraine, điều mà không ai ngờ đến cũng khiến áp lực lạm phát tăng thêm. Các yếu tố này kéo sau là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Lạm phát thế giới đi vào Việt Nam theo con đường nhập khẩu, và đi dần vào giá tiêu dùng. Tức chỉ có lạm phát chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng công cụ tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng.
“Ở trong nước và trên thế giới, việc gia tăng lạm phát nguyên nhân không phải do tiền tệ. Cung tiền hiện đang ở mức độ vừa phải và việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chỉ có nhiều tác dụng khi lạm phát xuất phát từ yếu tố tiền rẻ. Hơn thế nữa, cung tiền M2 của Việt Nam hiện chỉ tăng ở mức 2,51%, là mức thấp so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản cũng chỉ ở mức 1,25%”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
TS Cấn Văn Lực cho biết thêm: Việc tăng lãi suất là đi ngược với quan điểm thúc đẩy phục hồi của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi rất lớn lên tới 347.000 tỷ đồng, trong đó cơ quan nhà nước yêu cầu phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí phấn đấu giảm nhẹ. Nếu lãi suất tăng đồng nghĩa với việc đi ngược chủ trương nay. Chương trình phục hồi này cũng bao gồm gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với một số đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Việc tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với gói hỗ trợ này.
“Dù là NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất trên thị trường. Vì lãi suất điều hành của NHNN là lãi suất tín hiệu”, TS. Cấn Văn Lực cho hay. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu NHNN tăng lãi suất thì “thị trường chứng khoán sẽ gay go”. Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của thị trường chứng khoán hiện đang ở mức thấp (khoảng 12). Tỷ số nghịch đảo của P/E là E/P phải cao hơn 2 lần lãi suất gửi tiết kiệm. Nếu lãi suất tăng thì công thức này sẽ không đạt đạt, đồng nghĩa với việc lãi suất tăng không hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Về lạm phát, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định lạm phát của Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy. Khi đó, vai trò của ngân hàng là rất nhỏ. Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc NHNN tăng lãi suất như ngân hàng trung ương trên thế giới là điều không cần thiết. Theo đó, tác động lớn nhất vào lạm phát của Việt Nam hiện là do giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng chịu nhiều thuế nhất hiện nay, từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ – NHNN cho biết: Từ nay tới cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế; theo dõi lạm phát và lãi suất thị trường để linh hoạt và kịp thời điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Về điều hành tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt điều hành, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động mua bán ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Về điều hành tín dụng chung, NHNN đã định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5 – 1%; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều biến động trong thời gian qua cũng sẽ tác động đến ngành ngân hàng. Do đó, những tháng cuối năm ngành sẽ có nhiều thách thức, đòi hỏi sự điều hành khéo léo của chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát; đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%). Cơ cấu tín dụng tập trung theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian tới, theo NHNN, các tổ chức tín dụng cần tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục đánh giá khả năng phát triển bền vững của các ngành kinh tế nhất là các ngành động lực tăng trưởng nhanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế sáu tháng.
Tín dụng với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án quy mô lớn, phân khúc cao cấp…; đồng thời, tập trung tín dụng vào việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ.
Nguồn: cafef.vn