Sau hơn một thập kỷ áp dụng, các bất cập, hạn chế dần bộc lộ rõ hơn bản chất của trần tín dụng – một biện pháp hành chính trong nền kinh tế thị trường…
Sau hơn một thập kỷ áp dụng, các bất cập, hạn chế dần bộc lộ rõ hơn bản chất của trần tín dụng – một biện pháp hành chính trong nền kinh tế thị trường…
Do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh.
Trong giai đoạn 2007 – 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Trước bối cảnh đó, năm 2011, trần tín dụng chính thức được áp dụng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng thành viên.
Dù mang tính chất hành chính, nhưng giải pháp này đã giúp Nhà điều hành đưa cả hệ thống ngân hàng đi dần qua thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một thập kỷ, Việt Nam đã liên tục kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, những điểm tích cực của trần tín dụng ngày càng mờ nhạt.
Ngược lại, các bất cập, hạn chế dần bộc lộ rõ hơn bản chất của trần tín dụng – một biện pháp hành chính áp dụng trong nền kinh tế thị trường.
Theo TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành trong suốt 2 năm 2021 – 2022, tăng trưởng kinh tế chỉ trên 2%, sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng trên 12% mà lạm phát không xảy ra. Điều này cho thấy, sức ép từ chính sách tiền tệ đến lạm phát không quá lớn.
Trong khi, vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh đang rất lớn, nhiều khách hàng đang bị ngưng trệ, giảm khả năng phục hồi quy mô sản xuất kinh doanh do ngân hàng thương mại là hết room tín dụng. Thực trạng này dẫn đến một đòi hỏi, đã đến lúc tháo gỡ giới hạn trần tín dụng, thay vào đó, NHNN có thể cân nhắc sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn.
“NHNN đã đưa ra lộ trình áp dụng Basel II cho các ngân hàng. Gần 20 ngân hàng thương mại đã đạt chuẩn này. Ở đó, đã kiểm soát tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động của thị trường 1, có nghĩa là ngân hàng thương mại chỉ được phép cho vay 80% nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và của các cá nhân trong nền kinh tế.
Đây là một xà chặn về tăng trưởng tín dụng quá mức nếu như ngân hàng thương mại không huy động được vốn từ nền kinh tế. Ở đầu còn lại, NHNN không bơm thêm tiền cho kênh tín dụng, đương nhiên cung tiền không quá lớn để phải lo ngại lạm phát”, chuyên gia nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, theo chuẩn Basel II, ngân hàng phải duy trì hệ số an toàn vốn CAR, để kiểm soát những lĩnh vực rủi ro cao khi cho vay, đã có hệ số quy đổi rủi ro đối với tài sản có.
Các dư nợ cho vay với ngành bất động sản hay chứng khoán… đã được NHNN đẩy hệ số quy đổi với lĩnh vực bất động sản có hệ số quy đổi rủi ro lên 200%. Điều này có nghĩa là nếu ngân hàng muốn cho vay nhiều vào lĩnh vực rủi ro cao buộc họ phải tăng vốn tự có để đạt hệ số CAR. Như vậy, để tăng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cao, họ phải tăng vốn tự có mới đạt CAR chuẩn, nếu không sẽ bị xử phạt.
Ngoài ra, theo TS. Phạm Xuân Hòe, Nhà điều hành cũng còn nhiều công cụ khác để thay thế công cụ hạn mức tín dụng để kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế trong khi thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn.
“NHNN hoàn toàn có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ này lên 5%, thậm chí 10% nếu thấy nguy cơ ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng quá mức làm tăng sốc về M2.
Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa nhốt tiền ở tài khoản của các tổ chức tín dụng tại NHNN, làm các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền”, TS. Hòe nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra.
Đây là một công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính, cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng.
Còn theo ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, xét đến sức ép tăng trưởng và áp lực lạm phát hiện tại, việc duy trì trần tín dụng 14% là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc điều chỉnh trần tín dụng nên tuân theo quy luật thị trường, tiến tới bỏ trần tín dụng để điều chỉnh theo quy luật thị trường trong nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng, sau thời điểm căng thẳng như hiện nay, NHNN có thể tiến tới bỏ trần tín dụng trong chính sách tiền tệ.
Theo ông Cường, không có một nền kinh tế nào trên thế giới muốn đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát, nếu có, đó chỉ là lựa chọn cuối cùng. Hiện tại, sức ép lên tỷ giá, trần tín dụng đang ngày một lớn, chính sách tiền tệ của Việt Nam vì vậy ngày một thu hẹp.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa. Trong dư địa còn lại của hai loại chính sách, Việt Nam cần phải tính toán lại về dư địa thời gian, ví dụ như việc giải ngân đầu tư công chậm không khỏi ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Nguồn: cafef.vn