Điểm tin sáng: Vàng thế giới bất ngờ tăng cao

Sáng nay, giá vàng thế giới tăng dựng đứng, vượt lên ngưỡng 1.870 USD/ounce. Ngược lại, giá vàng trong nước quay đầu giảm nhẹ đưa về gần hơn với ngưỡng 69 triệu đồng/ lượng bán ra.

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay 11-6 (giờ Việt Nam) tăng mạnh với giá vàng kỳ hạn tháng 8 đã bù hết các khoản lỗ trong ngày và tăng 25,6 USD lên mức 1.871,2 USD/ ounce. Vàng giao ngay niêm yết tại Kitco ở mức 1.870,4 USD/ounce, tăng 27,3 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay quay đầu giảm với mức giảm từ 150.000 đến 250.000 đồng/ lượng. Mức giảm này đưa giá vàng trong nước về gần hơn với ngưỡng 69 triệu đồng/ lượng bán ra. Rạng sáng, giá vàng SJC đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 250.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức điều chỉnh này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,55 triệu đồng/lượng mua vào và 69,47 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Gần 93% doanh nghiệp Đức tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới. Hơn 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới, nhờ các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác như vận tải và logistics.

Hiện các doanh nghiệp Đức cho rằng rủi ro lớn nhất là giá nguyên liệu thô, sau đó là giá năng lượng và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao. Xung đột Nga – Ukraine cũng gây ra tác động về kinh tế đến doanh nghiệp Đức. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 422 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, theo VTV.

Số tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục trong tháng 5 với 476.322 tài khoản, cao hơn 76% so với kỷ lục lập hồi tháng 3. Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới gần 1,38 triệu tài khoản, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Con số này gần bằng lượng mở mới cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản). Mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đến 2025 của Chính phủ đã được hoàn thành sớm 3 năm. Mốc tiếp theo của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 là 8%.

Đối với khối ngoại, số lượng tài khoản giao dịch đạt 41.118 đơn vị, tăng thêm 256 đơn vị so với tháng trước, tương đương 0,6%. Trong đó, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân đứng tên tăng thêm 298 đơn vị thành 36.940 đơn vị. Mặt khác, số tài khoản của nhà đầu tư tổ chức giảm từ 4.220 đơn vị xuống 4.178 đơn vị.

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: