Năm 2021, cổ phiếu của các công ty “họ Louis” đã thi nhau làm mưa làm gió trên sàn chứng khoán. Đến quý II năm nay, các doanh nghiệp họ này đã đồng loạt báo lỗ khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt.
Louis Holdings, tiền thân là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Louis Rice, thành lập tháng 6/2012 có trụ sở tại TP HCM. Đơn vị này được định hướng phát triển thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu khu vực với 7 lĩnh vực cốt lõi: nông nghiệp; đầu tư; mua bán sáp nhập; chứng khoán; điện – viễn thông; bất động sản; dược phẩm. Công ty hiện có vốn điều lệ 650 tỷ đồng.
Ông Đỗ Thành Nhân, người đã bị khởi tố vào tháng 4 năm nay về tội thao túng thị trường chứng khoán là cựu Chủ tịch của Louis Holdings. Dưới sự lèo lái của ông Nhân, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán, sát nhập công ty con, công ty liên kết để tạo nên “hệ sinh thái Louis”.
Năm 2021, thông qua Louis Holdings, ông Nhân đã hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư ( HNX: BII ) – hiện là CTCP Louis Land. Từ sau thời điểm đó, vị này cũng mua gom lượng lớn cổ phiếu các doanh nghiệp Louis Capital ( HoSE: TGG ), Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM ) để trở thành cổ đông lớn, ngoài ra còn trong hệ sinh thái còn có Công ty Sametel ( HNX: SMT ) và Dược phẩm Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP )…
Trong năm 2021, nhóm doanh nghiệp họ Louis đã nổi lên với những biến giá cổ phiếu tăng bất thường. Trước khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông Louis Holdings, phần lớn các cổ phiếu BII, TGG, SMT… đều dưới mệnh giá, thậm chí như BII và TGG từng có giá dưới 2.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, sự có mặt của nhóm cổ đông này đã thay đổi tất cả. Cuối năm 2020, giá cổ phiếu TGG chỉ ở mức 1.170 đồng/cp, nhưng đạt đỉnh 74.800 đồng/cp (ngày 22/9/2021), tương ứng gấp 64 lần. Tương tự, BII tăng từ 3.600 đồng/cp (cuối năm 2020) lên mức đỉnh 31.000 đồng/cp (15/9/2021), tương ứng gấp 8,6 lần. Biến động tương tự cũng diễn ra với các cổ phiếu còn lại gồm SMT, LDP…
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những mã cổ phiếu đã giảm mạnh so với lúc đạt đỉnh. Ví dụ như cổ phiếu BII hiện có giá 5.500 đồng/cp, giảm 82,3% so với thời điểm đạt đỉnh tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu TGG giảm 90% so với lúc đạt đỉnh.
Các cổ phiếu “họ Louis” không chỉ mất giá, mà các doanh nghiệp cũng có sự xáo trộn lớn ở các vị trí lãnh đạo. Tại thời điểm bị bắt, ông Đỗ Thành Nhân vừa là Chủ tịch Louis Holdings, thành viên HĐQT Louis Capital, Louis Land Điều. Theo kết quả điều tra, trong thời gian 4/1-6/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân cùng ông Đỗ Đức Nam – cựu Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt ( HoSE: TVB ) và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác trái quy định, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Các doanh nghiệp họ Louis thi nhau báo lỗ trong quý II
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Ladophar, ông Nguyễn Mai Long, cựu Tổng giám đốc đơn vị này chia sẻ thời gian qua Ladophar cũng như tập đoàn Louis Holdings chia sẻ vụ việc của ông Đỗ Thành Nhân là những vướng mắc cá nhân, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Ladophar cũng như các thành viên khác trong Louis Holdings.
“Sự kiện này khiến cổ phiếu LDP giảm giá mạnh, đây hoàn toàn là yếu tố tâm lý thị trường trong khi hoạt động kinh doanh của Ladophar vẫn diễn ra bình thường và đang triển khai nhiều kế hoạch phát triển. Tôi mong rằng cổ đông, nhà đầu tư có cái nhìn sáng suốt”, ông Long nói.
Tuy nhiên lời khẳng định của cựu CEP Ladophar dường như đã không phản ánh đúng những gì đã xảy ra trong quý II. Sau khi ông Nhân bị bắt, các công ty trong họ Louis đã thi nhau báo lỗ trong quý II.
Louis Capital vừa công bố báo cái tài chính quý II với doanh thu thuần 209,8 tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán gấp 11,7 lần lên 204,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 5,1 tỷ đồng; biên lãi gộp được cải thiện từ 2,2% lên 2,4%.
Trong quý II, gần như đơn vị này không có doanh thu tài chính. Trong khí đó chi phí tài chính là 5,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ gần như không có do phải trả lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng gần 7 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp là 6,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập dự phòng 43 tỷ đồng nên con số này là âm.
Kết quả, Louis Capital đã lỗ 13 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ lãi 43,6 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là âm 8,5 tỷ đồng. Như vậy sau 4 quý đơn vị này lại ghi nhận lỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, đơn vị này thu về 515,8 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp gần 29 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 9,6 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp, ngoài ảnh hưởng của việc không còn hoàn nhập trích lập dự phòng trong khoản mục quản lý, nguyên nhân lỗ còn đến từ trong quý vừa qua, công ty không có khoản lợi nhuận đáng kể từ đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, doanh nghiệp mới bổ sung lý do chi phí phân bổ lợi thế thương mại trong quý vừa rồi.
Đơn vị: Triệu đồng.
Tương tự, Louis Land ghi nhận doanh thu quý II đạt 152 tỷ đồng, tăng 198% so với cùng kỳ; giá vốn cũng tăng 2 mạnh hơn dẫn tới lợi nhuận gộp giảm hơn 43% so với quý II năm trước. Trong quý, công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính trong khi quý trước đạt hơn 87 tỷ đồng; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ghi nhận 6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, giảm 86% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý II, Louis Land báo lỗ hơn 9,4 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp xây dựng này báo lỗ ròng. EPS là âm 274 đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty báo tổng doanh thu tăng 91% lên 303 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế đều ghi nhận lỗ gần 19 tỷ đồng, giảm 148% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Phía công ty giải thích nguyên nhân là do phát sinh phí tài chính cùng chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng. Ngoài ra tác động của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bất động sản của công ty gặp nhiều khó khăn, các dự án đang trong giai đoạn phát triển nên chưa ghi nhận doanh thu.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái “họ Louis” là Angimex cũng ghi nhận mức lỗ ròng quý II và 6 tháng đầu năm 2022 lần lượt gần 10 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Cụ thể trong quý II, công ty trích đã lập dự phòng giảm giá chứng khoán 27,5 tỷ đồng khiến công ty lỗ ròng 10 tỷ đồng trong quý vừa rồi.
Với Ladophar đơn vị ghi nhận doanh thu thuần 43,7 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ sau thuế của công ty là 20,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đơn vị này đạt 93,3 tỷ đồng, tăng 8,6%; lỗ sau thuế 18,8 tỷ đồng.
Vơí việc ghi nhận lỗ sau nửa đầu năm, Ladophar đã phải điều chỉnh kế hoạch năm nay khi giảm mục tiêu doanh thu từ 600 tỷ đồng xuống còn 227 tỷ đồng, còn kế hoạch lợi nhuận là lãi trước thuế 21,2 tỷ đồng đổi thành lỗ 23 tỷ đồng.
Còn Sametellỗ 5,4 tỷ đồng trong quý II. Phía công ty cho biết quý vừa rồi, doanh thu bán hàng trong kỳ tăng do công ty trúng thầu đơn hàng cáp quang từ cuối năm 2021. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào như nhựa, kẽm tăng đáng kể. Ngoài ra, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần do trong quý I công ty đã vay nợ để thực hiện đơn hàng, lỗ từ hoạt động chứng khoán.
Lũy kế 6 tháng, Sametel ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng, gấp 2 lần thực hiện trong cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế âm 5,3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6 giảm còn 172 triệu đồng.
Mới đây, theo chia sẻ lãnh đạo của Louis Holdings đơn vị này sẽ duy trì chiến lược tập trung vào mảng nông nghiệp và dược phẩm. Đơn vị này sẽ đầu tư mạnh vào Ladophar với kỳ vọng dược phẩm sẽ mang lại biên lợi nhuận tốt hơn để đảm bảo các mục tiêu phát triển ngắn hạn, tạo đà phát triển dài hạn.
Ở chiều ngược lại, Louis Holdings sẽ tiến hành thoái vốn tại đơn vị thành viên. HĐQT quản trị công ty này đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn khỏi CTCP Louis Capital và Angimex chỉ trong vòng ít ngày. Đặc biệt, đơn vị này mới chỉ mua lại Angimex từ SCIC vào đầu năm nay.
Nguồn: cafef.vn