Doanh nghiệp khát vốn làm ăn

Doanh nghiệp cần đa dạng kênh huy động vốn trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để kiểm soát lạm phát, room tín dụng cho cả năm không còn nhiều.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

Chuyên gia Kinh tế tài chính
14 bài viết
  • Việt Nam có thể đối đầu với một mức lạm phát cao là chuyện không quá khó lường. Bởi lẽ bên cạnh áp lực lạm phát từ bên ngoài, một số hàng hóa, dịch vụ trước đây được hoãn tăng giá hay miễn giảm vì đại dịch đến nay cũng đã đến hạn phải điều chỉnh tăng.
    Tại: Doanh nghiệp vay vốn cần tính trước tình huống lãi suất có thể lên cao trong thời gian tới
  • Bổ sung quy định chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà đất 2 giá. Chuyển tiền chuyển nhượng BĐS qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế.
    Tại: Chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng: Hạn chế rửa tiền?

Số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến giữa tháng 8-2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tại thời điểm ngày 30-6, tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố lên tới 9,35%.

Kẹt vì… hết “room”

Như vậy, trong hơn một tháng qua, tín dụng ra nền kinh tế chỉ tăng thêm 0,27%, phản ánh lượng vốn hệ thống NH cung ứng ra thị trường khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) thường tăng mạnh những tháng cuối năm.

Ghi nhận đến ngày 29-8, NHNN chỉ mới thông báo sẽ phân bổ hạn mức tín dụng còn lại của năm 2022 và chưa có động thái điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Là khách hàng thường xuyên của một NH thương mại trước dịch Covid-19, anh Ngô Hùng Việt, chủ hộ sản xuất ở TP HCM, cho biết sau khi ngừng vay trong dịch, nay có nhu cầu vay vốn trở lại để mua nguyên liệu sản xuất nhưng không được.

“Tôi thường vay vốn lưu động 12 tháng nhưng nay NH thông báo chỉ cho vay 6 tháng khiến tôi không dám vay vì không đủ thời gian quay vòng vốn” – anh Việt kể.

Theo anh Việt, nếu vay được vốn sẽ được NH giảm 2% lãi suất theo gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng từ ngân sách để giảm bớt chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và sớm khôi phục sau dịch Covid-19.

Phản ánh thông tin trên với lãnh đạo NH thương mại mà anh Việt từng vay vốn, vị này cho hay room tín dụng gần hết nên NH rất thận trọng khi cho vay. Nếu cho vay thời hạn 12 tháng, NH sẽ không kịp thời gian để thu hồi vốn, room tín dụng sẽ vượt quá tỉ lệ mà NHNN cho phép, vi phạm về hoạt động tín dụng. Ngược lại, khi cho vay 6 tháng thì khách hàng không xoay xở kịp dòng tiền để trả nợ. Từ đó, hai bên đều rơi vào thế khó.

Vốn tín dụng cực kỳ quan trọng

Tại nhiều cuộc họp, hội nghị gần đây, vấn đề cạn room tín dụng cũng được cả DN lẫn NH thừa nhận.

Nhân viên một số NH cho hay hết room không chỉ khiến nhân viên “ngồi chơi” mà khách hàng cũng rất khó, cả khách vay cá nhân lẫn DN. Giám đốc một chi nhánh NH thương mại ở TP HCM cho hay rất nhiều khách hàng hỏi bao giờ giải ngân tiếp hoặc cho vay mới nhưng ông không dám trả lời, vì không biết bao giờ được nới room.

Một đại diện của Công ty Hưng Thịnh Land cho biết thời gian qua, nguồn cung căn hộ chung cư đã yếu, cung nhà phố còn nhỏ giọt và bất động sản (BĐS) đã đi ngang. Dù vậy, khó khăn vẫn chưa dừng lại vào cuối năm khi vốn tín dụng tiếp tục bị hạn chế. Bởi khi việc tiếp cận vốn NH khó hơn, người mua nhà cũng sẽ thận trọng, không dám mua. Đã có tình trạng khách định đặt cọc mua nhưng vì không được vay nên hủy cọc.

“Trái phiếu BĐS được kiểm soát chặt thời gian qua càng khiến nhiều DN gặp khó khăn và kéo theo thị trường chung bị ảnh hưởng. Xu thế của các DN BĐS là đi tìm vốn từ các kênh như trái phiếu, chứng khoán, vay nhà băng, vay quốc tế và khách hàng nhưng không dễ” – đại diện Hưng Thịnh Land nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, phân tích với lĩnh vực BĐS, một kênh huy động vốn quan trọng khác của DN là huy động từ khách hàng nhưng nguồn vốn này lại cần vốn tín dụng. Hiện nay, các NH thương mại không cho phép vay để mua đất mà chỉ được vay để phát triển dự án sau khi có quỹ đất. Do đó, vốn tín dụng là cực kỳ quan trọng để DN BĐS có đủ nguồn vốn hoạt động. Nếu vốn tín dụng tắc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến DN và hiện rất khó tiếp cận kênh này.

Vì sao chưa nới room tín dụng?

Số liệu được TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đưa ra cho thấy vốn tín dụng đóng góp 47% tổng vốn đầu tư năm 2021; vốn từ trái phiếu DN đã và đang tăng tương đối tốt (khoảng 21,5%) nhưng huy động vốn từ thị trường cổ phiếu vẫn còn khiêm tốn khi mới chiếm khoảng 3,2% tổng lượng vốn đầu tư vào toàn nền kinh tế.

Với dòng vốn tín dụng hiện tương đương 125% GDP, theo TS Cấn Văn Lực, là mức tương đối cao so với mức độ phát triển nền kinh tế Việt Nam. Hiện mỗi năm ước tính dư nợ tín dụng khoảng 11,4 triệu tỉ đồng. Trong năm 2022, dự kiến có khoảng 1,5 triệu tỉ đồng tín dụng được cung cấp cho nền kinh tế. Nếu NHNN không thay đổi hạn mức, sẽ còn khoảng 4,4% room tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trong khi vốn tín dụng từ NH hạn chế, các kênh huy động vốn khác cũng không “dễ thở” hơn.

Phân tích của TS Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho biết nguồn huy động vốn đang gặp khó ở các kênh. Không chỉ khó tiếp cận vốn tín dụng vì room hạn chế mà các kênh khác như huy động vốn từ cổ phiếu cũng không dễ khi thị trường chứng khoán suy giảm. Huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng giảm mạnh do các NH thương mại không tham gia.

“Năm 2022, nhà nước đã chấn chỉnh phát hành trái phiếu dưới chuẩn và lách luật. Dự kiến số lượng phát hành sẽ giảm, ảnh hưởng tới nguồn vốn các công ty sản xuất kinh doanh và BĐS” – TS Đinh Thế Hiển nói.

Trong bối cảnh này, từ khoảng tháng 6 đến nay, đề xuất nới room tín dụng liên tục được các NH thương mại, hiệp hội và DN đưa ra nhằm giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, nới room tín dụng cũng là một trong những giải pháp nhằm giúp đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (nhiều NH hết room nên không thể cho vay mới với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất từ chương trình này).

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất tăng trưởng tín dụng cả năm được đặt ra là 14%, tuy nhiên NHNN có thể nâng thêm 1%-2%. Bởi phần lớn các NH thương mại đã gần cạn room tín dụng, nếu có thể cho phép 4 NH thương mại nhà nước lớn hoặc các NH đạt chuẩn Basel II nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN và nền kinh tế nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Kiểm soát lạm phát là một trong những yếu tố được đặt hàng đầu trong bài toán cân nhắc mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN. Tại hội nghị triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách 40.000 tỉ đồng cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định trong tuần này sẽ phân bổ room tín dụng còn lại (khoảng hơn 4%) cho các NH thương mại để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

Thời gian qua, NHNN cũng liên tục phát đi thông điệp sẽ giữ tăng trưởng tín dụng ở mức 14%. Bởi tăng trưởng tín dụng phải được xem xét cùng các biến động thường khó lường trong bối cảnh bất định của toàn cầu như lạm phát, tỉ giá, thanh khoản NH và thậm chí kiểm soát vốn vào các lĩnh vực ít rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng.

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định dù các NH thương mại đang “ngóng” room tín dụng nhưng room này được xác định theo mục tiêu chủ chốt là lạm phát. Thực tế, lạm phát nước ta hiện là “lạm phát nhập khẩu” và để giảm lạm phát, phương sách hữu hiệu nhất là giảm thuế hàng hóa. Trong đó, mặt hàng có hiệu ứng mạnh nhất là xăng dầu.

“Nếu giảm thuế xăng dầu để giá loại hàng hóa này giảm 10% thì lạm phát sẽ giảm xuống 0,31%; nếu tiếp tục giảm thêm 10% thì lạm phát sẽ giảm thêm 0,27% nữa. Như vậy, giảm 20% giá xăng dầu giúp giảm lạm phát tới 0,58%, đưa mục tiêu lạm phát từ 4% về khoảng 3,5%. Khi đó, NHNN mới có thể yên tâm khi nới room tín dụng” – ông Nghĩa nêu giải pháp.

Đa dạng kênh huy động vốn

Một nghịch lý được ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP HCM, nêu ra là hiện thu ngân sách được gần 1,1 triệu tỉ đồng, đạt kết quả rất tích cực nhưng chính sách tài khóa với các hỗ trợ thuế, phí, vẫn chưa bảo đảm hỗ trợ tối ưu với DN. Do đó, kiến nghị các cơ quan bộ, ngành, Chính phủ xem xét nhanh chóng bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng, giảm thuế GTGT đối với những nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất… Từ đó, góp phần hạ giá thành sản phẩm, DN mới có sức phục hồi, sản xuất tốt hơn.

“Đây cũng là điều kiện tiên quyết để qua đó giảm bớt áp lực và nỗi lo về lạm phát từ phía NHNN. Từ đó, NHNN sẽ có điều kiện linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tăng cường hỗ trợ DN” – ông Liêm đề xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội NH Việt Nam tại TP HCM, cho rằng NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng 14% là phù hợp và vẫn tạo điều kiện cho DN vay vốn sản xuất kinh doanh. Cụ thể, trong gần 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,6%, tức là dư địa còn lại là 4,4% trên tổng dư nợ, tương đương khoảng 450.000 tỉ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỉ đồng.

“Với room tín dụng còn lại này, những DN, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sẽ được tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi, thậm chí hưởng ưu đãi và hỗ trợ. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn, NH không thể cho vay vốn vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

TÁC GIẢ KHÁC

  • Chuyên gia Đinh Thế Hiển

    31 bài viết – Mới nhất: Ngân hàng, doanh nghiệp BĐS bơm vốn vào công ty chứng khoán: Lợi ích và rủi ro nào hiện hữu?
  • TS. Trịnh Thị Phan Lan

    Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội

    2 bài viết – Mới nhất: Có nên trả nợ trước hạn?
  • TS Cấn Văn Lực

    Chuyên gia tài chính ngân hàng

    281 bài viết – Mới nhất: TS. Cấn Văn Lực: “Nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn”

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: