PV Power ghi nhận doanh thu tháng 5 đạt 2.433 tỷ đồng, vượt 26% chỉ tiêu tháng và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.
POW: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh thu 2.433 tỷ đồng, vượt 26% chỉ tiêu tháng và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 5 tháng, doanh thu của công ty là 12.382 tỷ đồng, giảm gần 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 51% kế hoạch năm.
Tổng sản lượng điện của PV Power đạt 1,1 tỷ kWh, gần như hoàn thành kế hoạch tháng và giảm 24% so với tháng 5/2021. Trong cơ cấu doanh thu, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 36%, tiếp đó là nhà máy điện Cà Mau 1&2 là gần 35,6%, phần còn lại là của các nhà máy khác.
Phía PV Power cho biết tháng 5 bắt đầu xảy ra mưa lớn trên diện rộng khắp cả nước, làm giảm nền nhiệt độ và giảm nhu cầu dùng điện sinh hoạt; đồng thời các hồ thủy điện được bổ sung lượng nước lớn trước khi vào mùa mưa. Các nhà máy thủy điện sẽ chào giá thấp, vận hành hạ thấp mực nước để đón lũ, trong khi các nhà máy thủy điện miền Trung sẽ cân đối giữ nước để vận hành vào các thời điểm giá cao trong các tháng tiếp theo.
Về tình hình một số nhà máy của công ty, nhà máy điện Cà Mau 1&2 được giao Qc (sản lượng điện hợp đồng) cao (516,4 triệu kWh, tương đương công suất phát tối thiểu của 3 tổ máy với lượng khí tiêu thụ 3,5 triệu m3/ngày). Do việc khó khăn về nguồn chỉ đủ để vận hành 2 tổ máy (trung bình 2,8 – 3,2 triệu m3/ngày) dẫn đến việc cắt giảm Qc còn 378,1 triệu kWh. Việc này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của Cà Mau 1&2.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 được giao Qc 390,3 triệu kWh. Giá thị trường nhiều thời điểm cao hơn chi phí biến đổi, do vậy nhà máy dự kiến vận hành vượt sản lượng kế hoạch. Trong các ngày cuối tháng, giá thị trường thấp hơn chi phí khí. Tuy nhiên Nhơn Trạch 2 vẫn chào giá để vận hành với mục tiêu giảm lượng khí phạt bao tiêu và đàm phán Qc cho các năm tiếp theo.
Nhà máy điện Vũng Áng 1 được giao Qc 289,3 triệu kWh cho Tổ máy số 2, giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi nên nhà máy cơ bản phát tối đa sản lượng có thể. Tuy nhiên, khả năng cấp than hạn chế của Vinacomin do thiếu nguồn than nên nhà máy không đủ để vận hành tối đa tổ máy. Tổ máy số 2 Nhà máy điện Vũng Áng 1 chỉ vận hành trung bình khoảng 9,0 triệu kWh/ngày và nhà máy không hoàn thành kế hoạch sản lượng.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cũng đã chia sẻ các nhà máy nhiệt điện đang trong tình trạng không đủ than để chạy. PV Power cũng chủ động tìm nhiều nguồn khác, như nhập khẩu từ đối tác thân thiết là Lào, Nga,… tuy nhiên đang vướng mắc nhiều thủ tục. Đơn vị cung cấp than cho công ty là Vinacomin không cho nhập khẩu than với giá cao hơn giá mà đơn vị này cung cấp. Thế nên, không có bên cung cấp nào đồng ý việc bán than cho PV Power thấp hơn giá của Vinacomin dẫn đến tình trạng thiếu than.
Về tình hình dự án đầu tư nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4, ngày 27/1, HĐQT PV Power đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC. Theo đó, đơn vị trúng thầu là tổ hợp liên doanh nhà thầu Samsung C&T và Lilama. Hợp đồng EPC đã ký ngày 14/3 và đang hoàn tất thiết kế , hoàn tất các thủ tục để khởi công dự án. Ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch PV Power chia sẻ 30/4 sẽ là ngày bắt đầu tính tiến độ xây dựng. Khoảng tháng 10/2024 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 và sau đó 6 tháng sẽ vận hành tổ máy số 2. Kết cấu lò hơi dự kiến sẽ được lắp đặt vào cuối năm 2023.
Trong tháng 6, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.166 tỷ đồng, sản lượng điện 1,3 tỷ kWh. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẽ đảm bảo đủ nhiên liệu để vận hành an toàn và ổn định các nhà máy điện trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina làm giá nhiên liệu dầu, khí, than tăng cao. PV Power cũng sẽ phối hợp với PV Gas, Vinacomin, các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu (khí, than, dầu) cho các nhà máy điện. Cùng với đó, đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.
Nguồn: cafef.vn