Dù giá USD ở thị trường quốc tế tăng nhưng tỉ giá USD/VNĐ ở Việt Nam ổn định nên khó có cú sốc cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD hiện ở mức 103,4 điểm, cao nhất trong khoảng 20 năm qua. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản và sẽ có thêm những lần điều chỉnh tiếp theo, đồng USD tiếp tục mạnh lên. Ở thị trường trong nước, tỉ giá trung tâm và giá USD ngân hàng cũng liên tục nhích lên những ngày qua.
Cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI cho hay tỉ giá USD/VNĐ tuy có tăng mạnh trong tuần nhưng chưa đến mức đáng lo ngại. Mức giá hiện tại mới tương đương so với cùng kỳ và vẫn thấp hơn 2,3% so với mức đỉnh được xác lập vào tháng 3-2020. Nhìn chung, yếu tố hỗ trợ chính cho VNĐ trong giai đoạn tới tiếp tục đến từ nguồn cung USD tích cực (từ đầu tư nước ngoài, thặng dư cán cân thương mại, kiều hối) và bù đắp dòng vốn gián tiếp rút ra khỏi thị trường (xuất hiện khi Mỹ tăng lãi suất).
Ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), phân tích dù đồng USD lên giá trên thị trường quốc tế nhưng phải đặt trong bối cảnh từng nước để có cái nhìn khách quan. Lạm phát có xu hướng tăng lên ở nhiều nước khi giá dầu tăng cao, dịch Covid-19… Với Việt Nam, vài năm nay, chính sách kiểm soát lạm phát và tỉ giá rất tốt, chủ trương là không tăng cung tiền quá nhiều.
“Áp lực lên tỉ giá là có nhưng quan trọng nhất là yếu tố về cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, xuất khẩu đang thuận lợi trở lại. Bốn tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,53 tỉ USD, giúp nguồn ngoại hối dồi dào. Vốn đầu tư trực tiếp giải ngân gần 6 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ, cộng thêm nguồn kiều hối vẫn đổ về… giúp tỉ giá ổn định” – ông Đào Hồng Châu nhìn nhận.
Một trong những tác động rõ nét của việc FED tăng lãi suất thời gian qua là lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại đã nhích lên đáng kể. Dù vậy, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng mặt bằng lãi suất huy động tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh tăng lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Các ngân hàng sẽ phải tiết giảm chi phí, tăng tiền gửi không kỳ hạn, số hóa… để giảm chi phí vốn, đồng thời giảm biên lợi nhuận.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, khó tăng lãi suất huy động, trừ trường hợp FED và các quốc gia khác tăng lãi suất quá mạnh.
Dần thích nghi với biến động
Đối với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, dù giá USD ở thị trường quốc tế tăng nhưng theo lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia kinh tế, quan trọng nhất là tỉ giá USD/VNĐ vẫn ổn định. Những năm qua, mỗi năm tỉ giá chỉ điều chỉnh tăng ở mức 1%-2%.
Theo các DN, những biến động về kinh tế, địa chính trị trên thế giới thời gian qua, nhất là khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa để thực hiện chính sách “zero Covid”, đã gây ra tình trạng thiếu hàng trên phạm vi toàn thế giới. Một phần đơn hàng nhựa, may mặc, da giày, đồ gỗ… từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang Việt Nam.
“Đơn hàng dồi dào nhưng DN đang hoạt động trong điều kiện rất khó khăn do giá nguyên vật liệu, vận chuyển, chi phí sản xuất… tăng cao. Chi phí đầu vào bị đội lên, thêm yếu tố tỉ giá làm gia tăng khó khăn cho DN. Hầu hết DN đang xoay xở để cầm cự” – ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết.
Theo ông Việt Anh, tỉ giá tăng chủ yếu gây bất lợi cho những DN thuần nhập khẩu; ở chiều ngược lại tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu; còn những DN hoạt động cả 2 mảng xuất khẩu – nhập khẩu thì không ảnh hưởng nhiều. Vào thời điểm tỉ giá USD/VNĐ tăng như hiện tại thì DN tăng xuất, giảm nhập. Bên cạnh đó, các DN sản xuất gia tăng mua nguyên liệu nhập khẩu tồn kho trong nước để có giá rẻ hơn.
“Tăng nhập khẩu bằng đồng ngoại tệ khác cũng là một lựa chọn. Thay vì chọn nhập khẩu từ những thị trường thanh toán bằng đồng USD, DN linh hoạt tìm kiếm kênh cung cấp hàng từ các thị trường Nhật, châu Âu, Trung Quốc… đang có tỉ giá so với VNĐ ổn định hơn. Trường hợp buộc phải nhập hàng từ Mỹ hoặc các thị trường thanh toán bằng đồng USD thì đàm phán với khách hàng theo hướng giảm giá nhập khẩu tương đương với khoản chênh lệch do tỉ giá tăng” – ông Việt Anh nêu giải pháp.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cũng cho rằng các DN may mặc bị ảnh hưởng không đáng kể. Theo ông Hồng, đa số DN may mặc tại TP HCM làm hàng gia công, tạm nhập nguyên liệu và tái xuất thành phẩm nên biến động tỉ giá gần như không tác động trực tiếp đến cơ cấu giá của DN.
Tổng giám đốc một DN chuyên nhập khẩu, phân phối một số mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng tại TP HCM cũng khẳng định biến động tỉ giá không phải là vấn đề quá căng thẳng bởi đơn hàng lớn giữ ổn định giá ít nhất 6 tháng. “Mối quan tâm lớn nhất của DN lúc này là làm cách nào để kích cầu tiêu dùng bởi sức mua hiện tại còn quá thấp” – đại diện DN này nhìn nhận.
Với nhiều DN, những diễn biến hiện tại nằm ngoài khả năng kiểm soát, họ buộc phải thích nghi. Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết giá USD tăng ảnh hưởng nhiều đến chi phí DN, giá nhập khẩu sản phẩm tăng lên.
“Cước vận chuyển vẫn chưa hạ nhiệt, nhiều mặt hàng tăng giá tại nguồn, một số mặt hàng thị trường Việt Nam ưa chuộng không có để nhập. Những biến động này khiến tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng phải chấp nhận” – ông Trường bày tỏ.
Nguồn: cafef.vn