Dòng vốn vay trong lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng dịch chuyển khi ngân hàng thực hiện “nới cá nhân, siết doanh nghiệp”.
Tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về một số nội dung liên quan đến quản lý và kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực như trái phiếu, bất động sản.
Theo số liệu được cung cấp bởi NHNN, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm ngoái, đóng góp 20,44% tỷ trọng trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
Cũng theo NHNN, hiện nay có khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là trung và dài hạn (từ 10 đến 25 năm) trong khi nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Việc chênh lệch kỳ hạn nguồn huy động và nguồn cho vay sẽ tiềm ẩn những rủi ro thanh khoản cho hệ thống toàn ngân hàng.
Trên thực tế, thời gian qua thị trường bất động sản đã tăng trưởng khá nóng, cùng với đó là những dấu hiệu sai phạm của một số doanh nghiệp đã khiến cho NHNN phải vào cuộc để ngăn chặn rủi ro tiềm tàng thông qua việc yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng vào lĩnh vực này.
Sau chỉ đạo từ NHNN, từ tháng 3 năm nay, có 2 ngân hàng là Techcombank và Sacombank đã có động thái tạm ngưng cho vay bất động sản. Tại Sacombank, lãnh đạo ngân hàng đã có văn bản yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Còn đối với Techcombank, đơn vị này đã dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) từ ngày 25/3.
Tuy nhiên, không phải bất động sản nào cũng rủi ro, trong đó tín dụng cho nhu cầu mua nhà để ở là nhu cầu chính đáng của người dân, nên vẫn được khuyến khích. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú từng nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng không ‘khóa, siết’ mà chỉ kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản có tính đầu cơ, khuyến khích cho vay nhà ở xã hội, nhà ở người có nhu cầu thực”. Bởi vậy, hiện nay một số ngân hàng đang bắt đầu “đổi chiều” sang tăng cho vay bất động sản với mục đích mua, xây, sửa nhà để ở.
Điển hình như Ngân hàng Phương Đông (OCB), trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với chủ trương khuyến khích cho vay mua nhà xã hội của Chính phủ, nhà băng này luôn xác định nhóm khách hàng trọng tâm ở mảng bất động sản là những người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở, an cư lập nghiệp. Dư nợ tín dụng riêng thị trường bán lẻ của OCB tăng đến 20% trong 5 tháng đầu năm 2022, trong khi room cũng ở mức vừa phải như các ngân hàng thương mại khác, nhờ vào việc định hướng chiến lược tập trung vào đúng đối tượng. Cụ thể, qua khảo sát nhiều nhóm khách hàng trẻ trên cả nước, OCB phát hiện ra nhu cầu mua nhà để ở của nhóm khách hàng mới đi làm, mới lập gia đình rất lớn, trong khi khó khăn lớn nhất là dòng tiền, thu nhập hiện tại hãn hữu, việc tích lũy vốn để tham gia vốn tự có là rất hạn chế…
“Sản phẩm Ngôi nhà mơ ước – Dream Home của chúng tôi hướng đến đối tượng trẻ, còn trong giai đoạn tích luỹ, họ có thể trả rất ít tiền gốc trong những năm đầu tiên và tăng dần qua các năm sau đó. Tuy nhiên, với sản phẩm này, một khách hàng vay mua nhà khoảng 2 tỷ đồng thì mỗi ngày hai vợ chồng chỉ phải tích góp khoảng 420.000 đồng để trả ngân hàng, tỷ lệ tham gia vốn tự có là 20%”, ông Nguyễn Văn Hương – Giám đốc Khối bán lẻ OCB cho biết về sản phẩm được “may đo” cho nhóm đối tượng trên.
Thời gian vay của sản phẩm cũng được nâng lên tới 30 năm thay vì 20 – 25 năm như trước đây, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,99%/năm, cho vay bù đắp đến 24 tháng, ân hạn gốc lên đến 12 tháng, linh hoạt chứng từ chứng minh nguồn thu nhập lên đến 3 tỷ đồng.
Gần đây nhất, nhà băng này cũng đã phối hợp cùng đối tác bất động sản cho ra mắt nền tảng công nghệ đột phá “Unlock Dream Home”, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, để tích hợp việc tìm và vay mua nhà một cách nhanh chóng nhất. Với nền tảng này, khách hàng sẽ tìm được nhà ưng ý dựa trên danh mục hơn 12.000 tài sản uy tín được thu thập chất lượng; Sử dụng công cụ tính toán khoản vay thông minh dựa trên năng lực tài chính và thời gian vay mong muốn; Đăng ký hồ sơ vay mua nhà hoàn toàn trực tuyến với tính năng Vay cùng OCB.
Sự kiện:
Dream Home
Xem tất cả >>
- Đầu tư bất động sản thế nào khi room tín dụng ngân hàng hạn hẹp?
- Lãi suất cho vay mua nhà nhích lên, có đáng lo?
- Nhiều lợi ích khi vay ngân hàng để mua nhà
- Dòng vốn cho vay bất động sản đổi chiều
- Lưu ý khi mua nhà: Giá cả, pháp lý, dòng tiền và gì nữa?
Nguồn: cafef.vn