Kết quả kinh doanh quý 2 tái khẳng định niềm tin về triển vọng lợi nhuận 2022. Dragon Capital tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của Top 80 do quỹ lựa chọn ở mức 20,7% khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp của 6 tháng cuối năm ngoái.
Trong báo cáo tháng 7 mới công bố, Dragon Capital cho rằng căng thẳng toàn cầu là nhân tố tác động lớn đến thị trường quốc tế và trong nước. Ngoài ra, việc Chính phủ tạm hoãn điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng và lãi suất bắt đầu tăng là những yếu tố kém tích cực. Thị trường phục hồi tích cực sau khi VN-Index chạm ngưỡng hỗ trợ 1140 – 1150 điểm nhưng tâm lý vẫn thận trọng khi nhà đầu tư đang quan sát và theo dõi số liệu kinh tế từ các thị trường phát triển.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2 kết thúc với tăng trưởng lợi nhuận tốt ở mức 17% cho nhóm 80 công ty hàng đầu Dragon Capital đang theo dõi. Nhóm Vật liệu cơ bản ngoài Thép và Năng lượng tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số, trong khi nhóm Ngân hàng cũng tăng trưởng 34%. Dragon Capital tiếp tục duy trì dự báo tích cực về triển vọng lợi nhuận năm 2022 với mức tăng trưởng 20,7% khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp của 6 tháng cuối năm ngoái.
Về tình hình vĩ mô, các hoạt động kinh tế được khôi phục về mức bình thường tương tự như giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 12,8% và tính từ đầu năm đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch và khách sạn. Tổng doanh số bán lẻ đạt mức cao kỷ lục, tăng 2,4% so với tháng 6 và 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như giá cả leo thang, áp lực tỷ giá cũng như sự sụt giảm nhu cầu của thế giới. Hoạt động thương mại cũng chậm lại, đáng chú ý với sự sụt giảm trong xuất khẩu thiết bị điện tử và máy móc sau khi Samsung cắt giảm sản xuất điện thoại thông minh trên toàn cầu.
Xuất khẩu đạt 30,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước, nhập khẩu đạt 30,3 tỷ USD tương ứng với mức giảm 6%. Trong 5 tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu có thể sẽ gặp khó khăn. Một số thị trường chủ lực như Châu Âu và Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu của suy giảm sức mua, điều này đã phản ánh vào chỉ số PMI Việt Nam tháng 7 giảm xuống 51,2 điểm so với mức 54 điểm của tháng trước.
Xuất khẩu có thể chậm lại khi thị trường toàn cầu vẫn còn nhiều nguy cơ bất ổn. Việt Nam vẫn đang nhập khẩu ròng các sản phẩm xăng dầu, cùng với độ mở của nền kinh tế 200% GDP có thể khiến cán cân thương mại của Việt Nam đổi chiều từ thặng dư thành thâm hụt vào cuối năm nay.
Fed tăng lãi suất trong khi nguồn thu ngoại hối từ du khách quốc tế chưa phục hồi mạnh và thâm hụt thương mại là những yếu tố làm gia tăng áp lực lên đồng nội tệ. Ngân hàng nhà nước tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá đồng thời thay đổi cơ chế lãi suất cho thị trường mở (OMO) từ cố định sang thả nổi, từ đó khiến cho lãi suất này có tính thị trường hơn, và tăng mạnh từ 2,5% lên 4,5%. Sau động thái này, lãi suất liên ngân hàng tăng 300-400 điểm cơ bản, thiết lập một nền lãi suất mới từ 4-5%, cao hơn lãi suất USD ở cùng kỳ hạn.
Nhìn chung, chính sách tiền tệ đang có xu hướng thận trọng và thu hẹp hơn, đặc biệt khi tổng hạn mức tín dụng trên GDP có thể đạt 127% trong năm 2022, mức tương đối cao so với khu vực. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước có thể sẽ trì hoãn quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm cả việc thiết lập trần đối với lãi suất tiền gửi, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn sang năm sau. Lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục tăng khi tỷ lệ tổng vay trên tiền gửi đạt gần 100%, khiến cho các Ngân hàng thương mại đang có áp lực phải huy động vốn, dẫn đến cạnh tranh tăng lãi suất huy động.
Về tình hình lạm phát, giá hàng hóa thế giới đã có sự hạ nhiệt tạm thời giảm bớt áp lực lạm phát trong tháng 7. Dù vậy, CPI tăng nhẹ 3,1% so với cùng kỳ và 0,4% so với tháng trước. Đáng chú ý, CPI lõi tăng 2,6%, thể hiện hiệu ứng lan tỏa từ việc giá nhiên liệu tăng lên các nhóm mặt hàng khác.
Chính phủ đã quyết định cắt giảm thuế, phí xăng dầu nhằm kiềm chế lạm phát và tỷ lệ nợ công hiện chỉ ở mức 43,7% GDP, trong khi ngân sách trong 7 tháng đầu năm thặng dư thể hiện rằng Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để duy trì vĩ mô ổn định. Rủi ro lớn nhất chính là sự kéo dài về tình trạng giá nhiên liệu, hàng hóa thế giới ở mức cao có thể tiêu tốn nguồn lực mà Việt Nam đã tích lũy được trong các năm qua.
Nguồn: cafef.vn