Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa hoàn toàn sau đại dịch, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí, hàng không cũng hồi phục khả quan. Nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận quý II tăng mạnh, thậm chí gấp nhiều lần cùng kỳ.
TCT: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Du lịch quốc tế chính thức mở cửa mang lại hy vọng cho các doanh nghiệp ngành du lịch sau khi trải qua gần 2 năm dường như đóng băng vì dịch bệnh. Việc Chính phủ cho phép mở cửa và nối lại các chặng bay quốc tế giúp ngành du lịch hồi sinh. Theo đó, tình hình khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đà phục hồi kéo theo thị trường du lịch nội địa bùng nổ, nhất là vào dịp du lịch hè 2022.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 7 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước dù vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 7 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt 71,8 triệu lượt người, tăng 1,795 lần lượng khách của cả năm 2021.
Khách nội địa và quốc tế tăng cao trở lại đã kéo theo doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ghi nhận những con số tích cực. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2022 ước đạt 324.900 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2022 ước đạt 11.900 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ yếu tố đặc biệt là du lịch nội địa.
Lợi nhuận hồi phục mạnh mẽ
Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa hoàn toàn sau đại dịch, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí, hàng không cũng theo đó hồi phục khả quan. Nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận quý II tăng mạnh, thậm chí gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước.
Trước tiên, một doanh nghiệp thuộc nhóm Lữ hành là Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh(Cartour, mã CK: TCT) cho biết tổng doanh thu quý 2/2022 đạt 17 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ doanh thu tăng và chi phí giá vốn trong quý 2 giảm nên lợi nhuận sau thuế của Cartour đã ghi nhận lãi với 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,2 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TCT ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 32 tỷ đồng, tăng 174% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, để có thể tiếp tục phát huy “phong độ” kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, công ty lên triển khai một số dự án nhằm thu hút du khách. Thời gian tới, Cartour sẽ triển khai đầu tư nâng cấp các nhà ga, sân nền và hành lang tuyến xe trượt ống; Sơn pê lại nhà ga trên cáp treo Trung Quốc; làm đường dẫn kết nối từ ga trên cáp treo Hạ Giáp II lên mặt bằng Chùa Bà để rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho du khách; cải tạo hạ ngầm hệ thống lưới điện tạo vẻ mỹ quan và an toàn trong công tác PCCC; xây mới nhà kho chứa thiết bị và sửa chữa cải tạo nhà vệ sinh khu vực ga dưới xe trượt ống….
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận chuyển khách đường thuỷ là CTCP Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã CK: SKG) cũng chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, SKG ghi nhận doanh thu quý 2 gần gấp đôi lên mức 127 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9,6% lên 32,3% trong quý 2/2022. Doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 3 tỷ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Superdong đạt 211 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 36 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty tàu cao tốc thực hiện được 58% mục tiêu doanh thu và vượt gần 100% mục tiêu lợi nhuận năm.
SKG cho biết sang quý II, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch mở cửa trở lại nên tình hình kinh doanh trở nên khởi sắc hơn. Nhờ đó, các tuyến Rạch Giá – Phú Quốc tăng 84%, Hà Tiên – Phú Quốc tăng 236%, Rạch Giá – Nam Du tăng 89%, Rạch Giá – Lại Sơn tăng 145%, Phan Thiết – Phú Quý tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ giải trí, CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã CK: DSN) công bố doanh thu quý 2/2022 đạt 98 tỷ đồng, tăng trưởng 600% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí khác, công ty báo lãi sau thuế đạt gần 48 tỷ đồng, tăng trưởng 1.340% tương đương gấp 14,4 lần lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế tính theo quý cao kỷ lục của Công viên nước Đầm Sen.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DSN ghi nhận doanh thu đạt 128 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ đồng; lần lượt tăng gần 440% và 1.307% so với nửa đầu năm 2021.
Bước sang năm 2022, hoạt động du lịch có tín hiệu tích cực khi được mở cửa trở lại. DSN gần như là doanh nghiệp độc quyền về vui chơi giải trí dưới nước tại trung tâm TP.HCM và có vị thế khá bền vững. Trong bối cảnh đó, hoạt động kinh doanh của Công viên nước Đầm Sen dự báo được phục hồi mạnh và hưởng lợi. Minh chứng rõ ràng nhất là việc doanh thu và lợi nhuận của nửa đầu năm tăng bứt phá so với mức nền thấp của năm trước.
Đối với mảng hàng không, được mệnh danh là “ông trùm” sân bay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (mã CK: ACV) đã có một mùa kinh doanh quý 2 bội thu. Cụ thể, đơn vị này ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.429 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2021. Hiện nay các khoản vay của tổng công ty chủ yếu bằng đồng yên Nhật. Tại thời điểm cuối quý II,1 đồng yên Nhật đổi được 165,7 đồng VND, giảm 9,1% so với thời điểm đầu tháng 4. Nhờ vậy, ACV đã thu về 2.598 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ACV đạt 5.563 tỷ đồng, tăng 62% so với cùn g kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 3.472 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ. Trong nửa đầu năm, khoản lãi ròng nhờ chênh lệch tỷ giá là khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng 95,8% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Bên cạnh đó, lượng hành khách đi lại, sử dụng dịch vụ hàng không nhiều dẫn đến số chuyến bay tăng lên giúp cho các hãng hàng không bớt khó khăn hơn, điển hình như TCT Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã CK: HVN) và CTCP Hàng không Vietjet (mã CK: VJC). Trước tiên, HVN công bố kết quả kinh doanh quý 2 có phần khả quan hơn với doanh thu 18.323 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. Vietnam Airlines lỗ sau thuế 2.568 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoản lỗ 4.530 tỷ đồng của quý II năm 2021. Tuy nhiên, tính đến 30/6, khoản lỗ lũy kế của HVN lên tới 28.921 tỷ đồng và kéo theo vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp để tăng vốn hay giảm lỗ lũy kế, cổ phiếu HVN của hãng hàng không này có thể rơi vào diện bị hủy niêm yết trong thời gian tới.
Tiếp theo, Vietjet có kết quả khả quan hơn khi ghi nhận doanh thu vận tải hành khách trong quý II là 11.355 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải hành khách của hãng đạt 14.696 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 16.112 tỷ đồng, lần lượt tăng so với cùng kỳ năm 2019 trước dịch. Với những kết quả trên, nửa đầu năm lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 76 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 426 tỷ đồng.
Theo SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành hàng không năm nay chưa mạnh do khách quốc tế là nguồn lợi nhuận chính của tất cả các công ty trong ngành (sân bay, dịch vụ hàng không, hãng hàng không), và việc nối lại các đường bay quốc tế ước tính diễn ra chậm trong năm, do các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa mở cửa lại ở nhiều mức độ khác nhau. Do đó, lợi nhuận của cả ngành ước tính tăng mạnh hơn từ năm 2023 trở đi.
Các hãng hàng không đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ Chính phủ có thể bù đắp phần lớn ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động đến lãi/lỗ có thể nhỏ so với các chi phí khác như chi phí nhiên liệu, chi phí thuê tàu bay, nhân công và bảo dưỡng máy bay. Hơn nữa, triển vọng giá dầu tăng trong năm nay có thể làm giảm biên lợi nhuận các hãng hàng không, đặc biệt trong mùa thấp điểm. Cơ cấu vốn với nợ vay/ chi phí thuê cao cũng là vấn đề lớn cần giải quyết để ngành phục hồi bền vững hơn.
Ngoài ra, với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, resort như CTCP Du lịch Thành Thành Công (mã CK: VNG) ghi nhận sự hồi phục sau mở cửa. Cụ thể, VNG báo doanh thu quý 2 đạt 163 tỷ đồng, tăng khoảng 160% so với cùng kỳ với mảng kinh doanh chính có lãi gộp 47 tỷ đồng trong khi mảng này lỗ gần 18 tỷ đồng thời điểm năm trước. Song doanh thu tài chính giảm và chi phí tài chính lại gia tăng, VNG báo lãi sau thuế quý 2 đạt 11 tỷ đồng, còn lại mức tăng vỏn vẹn 15% so với cùng kỳ.
Cùng nằm trong mảng bất động sản du lịch khách sạn và resort, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã CK: NVT) báo lãi sau thuế quý 2 đạt 10,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ 12,4 tỷ đồng. Trước đà hồi phục của ngành du lịch, NVT đã chấm dứt chuỗi 4 quý lỗ liên tiếp vào quý 1/2022 và có lãi lớn vào quý 2/2022.
Như vậy, ngành Du lịch mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục kinh tế nói chung cũng như tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp liên quan nói riêng.
Trong quý 3 và quý 4 năm 2021 khi đang là cao điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chuyển ngành hoặc dừng hoạt động. Do đó, triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch giải trí nửa cuối năm nay lại trở thành điểm sáng đối với mức nền thấp nửa năm ngoái. Trong một báo cáo gần đây, ACBS cho rằng sự phục hồi của hành khách nội địa được hỗ trợ bởi mùa nghỉ hè. Theo đó, các chuyên gia ACBS tin rằng xu hướng tăng sẽ duy trì đến giữa tháng 8/2022.
Nguồn: cafef.vn