Đến thời điểm 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2.240.166 tỷ đồng.
Đó là thông tin cập nhật mới nhất từ Chính phủ trong báo cáo gửi Quốc hội vừa hoàn thành ngày 20/5.
Như BizLIVE chia sẻ thông tin vừa qua, tại phiên họp thứ 11 (tháng 5/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung thông tin, số liệu về một số nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm.
Một trong số đó là về nợ xấu tiềm ẩn; những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tỷ lệ tín dụng bất động sản hiện nay cũng như việc mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán thành viên.
Hơn hai triệu tỷ dư nợ bất động sản
Với yêu cầu làm rõ “Tỷ lệ tín dụng bất động sản (BĐS) hiện nay”, báo cáo khẳng định trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đặc biệt là kinh doanh BĐS, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Dòng vốn vào thị trường BĐS gồm nhiều nguồn: vốn chủ đầu tư, vốn của người mua nhà, vốn tín dụng ngân hàng, vốn ngân sách nhà nước, vốn FDI,…
Về kênh cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng trong nước, trong những năm qua, dư nợ tín dụng BĐS luôn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng đã giảm (từ 26,76% năm 2018 xuống 15,37% năm 2021); tỷ trọng khoảng 19-20% tổng dư nợ nền kinh tế. Đồng thời, tỷ trọng dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng BĐS cao hơn mục đích kinh doanh BĐS.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng đối với phân khúc nhà ở luôn chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 60% dư nợ tín dụng BĐS) cho thấy ngành ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người dân.
Cụ thể, đến thời điểm 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2.240.166 tỷ đồng, tăng 7,87% so với 31/12/2021, chiếm tỷ trọng 20,23% tổng dư nợ tín dụng chung; trong đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 7,75%, chiếm tỷ trọng 65,01% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS, dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS tăng 8,1%, chiếm tỷ trọng 34,99%.
Tổng số dư đầu tư TPDN là 326,5 nghìn tỷ đồng
Về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của TCTD, Chính phủ báo cáo, trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD) và hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững, NHNN kiểm soát chặt chẽ việc TCTD mua, bán TPDN tương tự như hình thức cấp tín dụng khác, ban hành các quy định về hoạt động mua, bán TPDN của TCTD, quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, thường xuyên thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động đầu tư TPDN của TCTD…
Đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư TPDN là 326,5 nghìn tỷ đồng , tăng 19,0% so với cuối năm 2021 (chiếm tỷ trọng 2,95% tổng dư nợ tín dụng). Trong đó, đầu tư TPDN với mục đích xây dựng, kinh doanh BĐS là 124,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,15% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 38,2% trong tổng số dư đầu tư TPDN. Tổng số dư đầu tư TPDN với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành đến cuối tháng 3/2022 là 101,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7,18% so với cuối tháng 12/2021), chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư TPDN của toàn hệ thống.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, về phía NHNN, trên cơ sở thực tiễn hoạt động thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư trái phiếu tại các TCTD, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của TCTD khi tham gia vào thị trường TPDN nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững.
Trong điều kiện hiện nay, thị trường vốn đã có những bước phát triển nhưng nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống các TCTD; do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn, tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD phát triển lành mạnh, hiệu quả cũng như giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn.
Trên cơ sở đó, NHNN kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau: (1) Rà soát tổng thể về hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành, chào bán TPDN nhằm kiểm soát chặt chẽ các điều kiện của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo phát triển thị trường TPDN theo hướng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. (2) Phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính; đa dạng hoá các nhà đầu tư; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. (3) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán, trong đó có thị trường TPDN. (4) Doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh… để nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Nợ xấu có xu hướng tăng
Bổ sung thông tin về nợ xấu, Chính phủ cho biết, thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%).
Ngày 13/3/2020, NHNN ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2020/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN, tạo khung khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Tuy nhiên, trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, nếu bao gồm cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2021/TT-NHNN có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76% cho thấy chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và tại một số TCTD nói riêng cần tiếp tục được lưu ý trong thời gian tới (theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai).
Nguồn: cafef.vn