Theo kinh tế trưởng SSI, quyết định tăng lãi suất của Fed không ảnh hưởng ngay đến nhóm ngân hàng, nguyên nhân là do đã có sự chuẩn bị từ trước.
Sáng 22/9 theo giờ Việt Nam, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản. Đồng thời, các quan chức Fed dự báo lãi suất có thể đạt 4,4% vào cuối năm nay và 4,6% vào năm 2023 – những con số cao hơn dự báo trước đó.
Sau giai đoạn “trăng mật”, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua khá nhiều biến động khi không chỉ chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước mà còn từ các biến động trên thế giới. Một trong những nhân tố ít nhiều gây ảnh hưởng đến nền kinh tế là các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo đó mỗi bước đi của Fed đều gây ra ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Động thái tăng lãi suất của Fed có ảnh hưởng gì tới thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các nhóm ngành? Trả lời câu hỏi này, tại chương trình Bí mật đồng tiền, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định việc tăng lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng trong dài hạn đối với ngành Bán lẻ (Retail). Bởi, ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng từ các tính chất nội địa trước, sau đó mới bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Đối với ngành Ngân hàng, ông Hưng cho rằng các ngân hàng tại Việt Nam kể cả Ngân hàng Trung ương đã có những chuẩn bị trước khá lâu về câu chuyện này. Minh chứng là các mức lãi suất của VN đã nhúc nhích tăng lên, lãi suất Overnight khoảng 4-5% tạo sự chênh lệch khá lớn so với USD thời điểm hiện tại. Vị kinh tế trưởng SSI kết luận quyết định tăng lãi suất của Fed không ảnh hưởng ngay đến hệ thống ngân hàng, nguyên nhân là do đã có sự chuẩn bị từ trước.
Ngoài ra, theo quan điểm của ông Nguyễn Minh Tuấn – Chuyên gia Phân tích, Công ty Đầu tư quốc tế Hữu Nghị, thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, những nhóm hàng đặc biệt sử dụng nhiều yếu tố đầu vào là các hàng hóa nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất của Fed. Ông Tuấn cho biết thêm: “Thị trường hàng hóa thực tế rất nhạy với thông tin lãi suất do liên quan đến chi phí vốn, chi phí tồn kho,… Một số nhóm đang nhập khẩu đầu vào như: thức ăn chăn nuôi, năng lượng, nhựa,.. nhập khẩu lượng đầu vào rất lớn. Khi giá biến động có thể ảnh hưởng đến báo cáo tình hình tài chính kinh doanh thực tế các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.”
Bàn luận về việc Nghị định 65 được sửa đổi ban hành, mục đích để sửa đổi Nghị định 153. Một số thay đổi được BTV Hoàng Nam dẫn chứng như Nghị định 65 có những điều kiện siết chặt lại tránh việc mua bán chứng chỉ NĐT chuyên nghiệp. Theo dự báo của nhiều tổ chức, sắp tới việc làm giả chứng nhận NĐT chuyên nghiệp sẽ khó khăn, đắt đỏ hơn. Từ đó, câu chuyện người dân đi mua trái phiếu với suy nghĩ gửi tiết kiệm ngân hàng lãi suất cao kỳ vọng sẽ hạ bớt.
Theo quan điểm của Mr. X30, ông chia sẻ rằng: “Nếu mình là một nhà phát hành trái phiếu làm việc nghiêm túc và làm ăn chân chính có nhu cầu thật sự, việc sửa đổi 153 hay không sửa đổi đều có thể tuân thủ dễ dàng.”
Xét tác động của việc sửa đổi Nghị định tới các doanh nghiệp BĐS, vị chuyên gia cho rằng thời điểm này tương đối khó để đánh giá. Bởi về phía nguồn cung, nếu doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc hoàn toàn có thể tuân thủ và phát hành được. Vấn đề chính được ông Hưng chỉ ra là nằm ở phía “cầu”. Sau tất cả, ông Hưng đánh giá nhu cầu của người dân và NĐT cá nhân hiện tại đang tương đối khó khăn.
Bên cạnh đó, xu hướng lãi suất hiện đang là xu hướng tăng. Nếu doanh nghiệp phải phát hành thời điểm hiện tại trước bối cảnh tâm lý thị trường khá xấu, việc phát hành với mức lãi suất cao trên 10% là tương đối rủi ro cho DN phát hành.
Trong ngắn hạn, DN chỉ giải quyết được các vấn đề đảo nợ. Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tăng trưởng chậm lại, DN phải chi trả mức lãi suất trái phiếu cao là một bài toán khó giải quyết. Do đó, ông Hưng cho hay nhà đầu tư cần theo dõi thêm vấn đề phát hành có diễn ra mạnh mẽ thời gian tới hay không.
Nguồn: cafef.vn