Bất chấp nền kinh tế đầu tàu thế giới vừa quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong hai thập kỷ, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp” với ưu tiên là hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cho đến ít nhất là đến cuối quý 2/2022.
Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày hồi đầu tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 0,75% đến 1,0%.
Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,50% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được thực hiện trong một cuộc họp duy nhất kể từ tháng 5/2000. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng gợi ý rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay với nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Theo khảo sát của CME Group, thị trường cho rằng Fed có thể nâng lãi suất điều hành thêm 175-200 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm 2022 lên biên độ mới trong khoảng 2,5% đến 3,0%.
Các quan chức của Fed cũng quyết định giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed từ tháng 6/2022, bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng (30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp), sau ba tháng sẽ tăng lên mức 95 tỷ USD mỗi tháng (60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp).
Theo kế hoạch này, Fed có thể thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Quy mô này tương đối nhỏ (chỉ chiếm 5% quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện tại), do đó, tác động đến tính thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu là không lớn.
5 tác động chính tới kinh tế Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích tại VNDirect, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn.
Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ làm tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.
Nhiều tổ chức nghiên cứu trên thế giới gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế Mỹ, một trong những nguyên nhân chính là vì điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.
Thứ hai, lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.
VNDirect cho rằng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng được dự báo sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm”, báo cáo cho biết.
Thứ ba, lãi suất USD tăng gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Theo ước tính của VNDirect, nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm 39% GDP vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh thanh khoản trên thị trường tài chính quốc tế thắt chặt hơn, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó huy động vốn trên thị trường quốc tế và phải chịu lãi suất cao hơn.
Thứ tư, về thị trường tài chính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị rút ròng trong những tháng tới do ảnh hưởng của “taper tantrum”. Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây nên tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị trước.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ năm, đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Vào ngày 31/4/2022, chỉ số đồng USD (đo sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) đạt 103 điểm, mức cao nhất trong 20 năm. Đồng USD mạnh kéo tỷ giá USD/VND tăng khoảng 0,6% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo VNDirect, các yếu tố cơ bản để giữ cho VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối cao.
Các chuyên gia kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai sẽ tăng lên 1,9% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 1,0% GDP vào năm 2021. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 (tương đương 4,0 tháng nhập khẩu) từ mức hiện tại là 105 tỷ USD.
Do đó, VNDirect nhận định tỷ giá USD/VND ổn định ở mức 22.600-23.050 vào năm 2022 và Đồng Việt Nam có thể dao động trong biên độ tương đối hẹp (+/-1%) so với USD.
Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng?
Theo VNDirect, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp” với ưu tiên là hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, cho đến ít nhất là đến cuối quý 2/2022.
Lý giải về nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 4%.
Ngoài ra, nhu cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.
“Bất kỳ sự thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 (khả năng cao hơn trong quý 4/2022) và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25- 0,5%”, các chuyên gia VNDirect nhận định.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng NHNN sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, NHNN sẽ kiểm soát kỹ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao). Theo đó, VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng duy trì mức cao 14% trong năm 2022.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. Gói này đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia một số của các dự án trọng điểm quốc gia, và kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
VNDirect kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Nguồn: cafef.vn