Việc cơ cấu nợ vay hiệu quả giúp các khoản vay và nợ thuê tài chính của FLC cuối quý 2/2022 giảm mạnh trên 1.000 tỷ so với thời điểm đầu năm và giảm trên 2.180 tỷ so với quý trước đó.
FLC: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Tập đoàn FLC (mã FLC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 và nửa đầu năm 2022.
Theo báo cáo riêng của công ty mẹ, FLC ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như giá vốn đều giảm mạnh trong quý 2. Đáng chú ý, mức giảm giá vốn lên đến 75%, trong khi doanh thu chỉ giảm 50%. Nhờ vậy, việc kinh doanh trên giá vốn vẫn giúp công ty mẹ FLC ghi nhận lợi nhuận gộp gần 88 tỷ đồng.
Tương tự như quý 1, FLC vẫn phải trích lập dự phòng đầu tư cho các đơn vị liên doanh liên kết trong quý 2, khiến chi phí tài chính công ty mẹ lên tới hơn 548 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm hơn 77 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Cùng sự gia tăng đồng loạt của các chỉ số như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp…, lợi nhuận thuần của công ty mẹ đã đảo chiều từ lãi thành lỗ hơn 630 tỷ đồng, tương ứng với lỗ sau thuế trên 628 tỷ đồng.
Sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh với các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết, FLC ghi nhận doanh thu bán hàng quý 2 trên 623 tỷ đồng, và nửa đầu năm trên 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng đạt hơn 104 tỷ đồng trong quý này, tăng mạnh so với lợi nhuận gộp âm gần 149 tỷ cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận này khó bù đắp được khoản lỗ từ việc đầu tư các đơn vị liên doanh, liên kết. Cụ thể, lỗ trong công ty liên doanh liên kết ghi nhận hơn 317 tỷ đồng trong quý 2 và 582 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Kết hợp với sự gia tăng của các loại chi phí, FLC tiếp tục báo lỗ sau thuế quý 2 hơn 640 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 30/6 là 1.105 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, FLC cho biết, doanh thu hoạt động tài chính giảm do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại các mảng kinh doanh và thay đổi nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng do hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng đang mùa cao điểm. Bên cạnh đó ảnh hưởng của khoản tăng lỗ 311,6 tỷ từ mảng đầu tư hàng không đã khiến lợi nhuận sau thuế đảo chiều từ lãi thành lỗ như đã ghi nhận.
Báo cáo cũng cho thấy, tiền và các khoản tương đương tiền đến ngày 30/6/2022 đạt hơn 299 tỷ đồng, tăng gần 70% so với hồi đầu năm.
Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính của FLC bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn đến cuối tháng 6/2022 là 5.126 tỷ. Trong đó, vay ngắn hạn tăng 642 tỷ nhưng vay dài hạn lại giảm đến hơn 1.700 tỷ. Việc cơ cấu nợ vay hiệu quả giúp các khoản vay và nợ thuê tài chính của FLC giảm mạnh trên 1.000 tỷ so với thời điểm đầu năm và giảm trên 2.180 tỷ so với mức 7.310 tỷ đồng cuối quý 1/2022.
Kết thúc quý 2/2022, FLC gia tăng quy mô tổng tài sản lên 36.299 tỷ đồng, tăng hơn 2.512 tỷ đồng, tương ứng gần 7,5% so với hồi đầu năm.
Nguồn: cafef.vn