Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw nhìn nhận các nhà đầu tư F0 đang đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu nhiều giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.
Năm 2021 được coi là năm huy hoàng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Làn sóng nhà đầu tư F0 lớp lớp tham gia thị trường đã đẩy VN-Index liên tục chinh phục đỉnh mới và phá mốc 1.500 điểm trong phiên giao dịch 25/11/2021.
Mặt khác, chính những nhà đầu tư F0 là “lực lượng” chiếm số đông trên thị trường chứng khoán và giúp hoạt động môi giới của nhiều các công ty chứng khoán sinh lời. Tuy vậy, trong làn sóng bán tháo trên thị trường từ đầu tháng 4 đến nay, nhà đầu tư F0 lại là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới, có thể thấy Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư. Đơn cử, trong năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 trên thế giới. Vì lẽ đó, để thị trường chứng khoán Việt Nam phát huy vai trò hút nguồn vốn trung/dài hạn, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ là một trong những mục tiêu quan trọng.
Nhadautu.vn đã trao đổi với luật sư (LS) Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBlaw (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề này.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 99% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch vào thời điểm cuối quý I/2022. Vậy, nhà đầu tư cá nhân có tầm quan trọng như thế nào với thị trường chứng khoán?
LS Nguyễn Thanh Hà: Thị trường chứng khoán ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế ở mỗi quốc gia. Đây là nơi giúp Chính phủ và các doanh nghiệp thu hút luồng vốn lớn dài hạn cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời giúp công chúng có thêm cơ hội đầu tư. Với Việt Nam, thị trường trải qua nhiều biến động những vẫn luôn khẳng định vai trò thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Do đó, ta có thể thấy được vai trò to lớn của thị trường chứng khoán đối với nên kinh tế đất nước.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 99% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch vào thời điểm cuối quý I/2022. Do đó, nhà đầu tư cá nhân có vai trò rất lớn trong việc hình thành cũng như tác động đến sự vận hành của thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư với tư cách là chủ nợ khi nắm giữ trái phiếu và là chủ sở hữu doanh nghiệp khi nắm giữ cổ phiếu. Quyết định của nhà đầu tư như mua, bán hay nắm giữ chứng khoán đòng một vai trò rất quan trọng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán, một trong những thị trường lớn nhất có ảnh hưởng nhất đến thị trường tài chính bên cạnh thị trường vàng, thị trường bất động sản, thị trường ngoại hối.
Nhà đầu tư cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho thị trường tài chính, do đó các quyết định của nhà đầu tư cá nhân nói riêng và các nhà đầu tư nói chung đều có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, từ đó ảnh hưởng đến thị trường tài chính và cuối cùng là ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thế nhưng cũng trong quý I/2022, số liệu thống kê cho thấy có gần 4.000 nhà đầu tư cá nhân rút vốn khỏi thị trường này, theo ông đâu là nguyên nhân?
LS Nguyễn Thanh Hà: Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán đều thua lỗ 20%-30% trong 2 tuần trở lại đây. Cá biệt, người nắm cổ phiếu đầu cơ hay những mã dính tin đồn có thể thua lỗ tới 40%-50% tài khoản. Trong khi đó, những tin đồn về điều tra, thanh tra vẫn thường xuyên xuất hiện trên các hội, nhóm, diễn đàn khiến nhà đầu tư lo sợ, chán nản, luôn muốn tìm cách rời bỏ chứng khoán.
Thị trường đang trong giai đoạn kém lạc quan. Việc thiếu thông tin tích cực cộng thêm thanh khoản èo uột có thể kích hoạt tâm lý e ngại rủi ro, không muốn nắm giữ cổ phiếu và dẫn đến chuỗi giảm kéo dài.
Trong những ngày gần đây, nhà đầu tư còn bức xúc với tình trạng “bán tống bán tháo” xuất hiện vào cuối phiên, nhất là vào 15 phút phiên khớp lệnh đóng cửa (ATC). Một số cổ phiếu đang hồi phục hoặc tăng giá bỗng chuyển giá sàn khiến họ không trở tay kịp.
Đà giảm mạnh có phần bất ngờ của TTCK vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư mất phương hướng, đặc biệt là những nhà đầu tư cá nhân. Hai năm qua, TTCK chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân mới tham gia, tâm lý của họ không vững chắc nên dễ bị khủng hoảng khi có vấn đề gì đó làm ảnh hưởng thị trường.
Việc TTCK giảm liên tục đến từ phản ứng thái quá do có sự lo ngại và áp lực bán của nhà đầu tư/đầu cơ khi có thông tin về việc xử lý các hành vi thao túng thị trường, làm trong sạch môi trường và thực tiễn huy động vốn qua trái phiếu của các cơ quan chức năng…
Tuy nhiên, hành động này của các cơ quan quản lý sẽ đem đến một “sân chơi” lành mạnh hơn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung – dài hạn. Để thích nghi được trong giai đoạn kém lạc quan như hiện nay thì yêu cầu đối với nhà đầu tư cá nhân là cần vững tâm lý chọn lọc thông tin và tìm hiểu thị trường một cách toàn diện, chuyên nghiệp, tránh hiệu ứng đám đông trước những tin đồn thất thiệt.
Có thể việc cảm thấy thiếu an toàn chính là một nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhà đầu tư cá nhân ồ ạt rút khỏi thị trường trong giai đoạn này. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán được thể hiện ra sao?
LS Nguyễn Thanh Hà: Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, Luật Chứng khoán 2019 đã có những quy định một số hành vi cấm giao dịch như hành vi giao dịch nội gián, hành vi lũng đoạn thị trường, hành vi thông tin sai sự thật, bỏ sót thông tin, thông tin không kịp thời. Ngoài ra nhà đầu tư còn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi xảy ra tranh chấp hoặc khi các chủ thể có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của họ. Quyền yêu cầu bồi thường khi các công ty chứng khoán cũng như các chủ thể phát hành chứng khoán có những hành vi làm tổn thất đến lợi ích của nhà đầu tư mà xác định được giá trị tổn thất như những thông tin sai sự thật, việc đính chính lại các thông tin làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, quyền được hưởng lợi tức, quyền ưu tiên mua cổ phần…
Trong thời gian gần đây, nhằm chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân) theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ đã ban hành những văn bản như Công điện số 311/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện số 304/CĐ-TTg về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất; Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo luật sư, các biện pháp bảo vệ này đã đủ mạnh hay vẫn còn nhiều hạn chế?
LS Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay các biện pháp bảo vệ vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Nhìn vào con số 4.000 nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường chứng khoán trong quý I/2022, chúng ta có thể nhận định rằng, việc bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng tại Việt Nam chưa được đánh giá cao và chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Trong các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cá nhân còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục.
Đơn cử, chưa có văn bản thống nhất chung mà các quy định nằm rải rác, chồng chéo trong các văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, các quyết định… Các quy định này đôi lúc còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất, đồng bộ.
Chưa có cơ chế xác định mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm với nhà đầu tư làm cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư khác. Việc chưa có quy định liên quan đến việc khởi kiện tập thể (có thể do một tổ chức đại diện đứng ra thực hiện) khiến các nhà đầu tư cá nhân khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi hạn chế bởi sự hiểu biết về pháp lý, các quy định pháp luật.
Hình thức xử lí vi phạm chưa đủ tính răn đe. Mức phạt hiện nay theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP với hành vi mua bán cổ phiếu là 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, tối đa 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức là một mức phạt rất thấp nếu so sánh với thiệt hại mà hành vi đó gây ra cũng như lợi ích mà người thực hiện hành vi nhận được. Điều này dẫn đến những hành vi vi phạm liên tục lặp lại, gây thao túng và lũng đoạn thị trường.
Để việc tham gia của các nhà đầu tư cá nhân không chỉ mang tính thời điểm, dòng vốn từ đối tượng này không chỉ “tạm trú” trên thị trường chứng khoán, rõ ràng, các nhà đầu tư cá nhân cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn và hiệu quả hơn, vậy cần các giải pháp đồng bộ gì?
LS Nguyễn Thanh Hà: Tuy là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong góp sức cho sự phát triển của thị trường khoán Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nhưng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ vẫn đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi thiếu cơ chế, cũng như giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Khi xảy ra tranh chấp với công ty chứng khoán, nhà đầu tư thường chịu thua thiệt….
Nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới đã cho thấy, Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 quốc gia.
Trên thị trường chứng khoán, những bài học về việc tài sản của nhà đầu tư không được bảo vệ thỏa đáng tại các công ty chứng khoán vẫn còn nguyên giá trị.
Không chỉ thế, những phản ánh, cũng như con số nói trên đang khiến không ít nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài… e ngại khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vì vậy, nhà đầu tư có mưu cầu lợi ích là điều đương nhiên. Để bảo vệ họ, cũng như trực tiếp bảo vệ thị trường, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền và mạnh tay trong việc xử lý các hành vi vi phạm.
Nhìn ra các nước trong khu vực, ta mới thấy các nước họ đã làm được việc này từ lâu rồi, chẳng hạn như ở Hồng Kong, Công ty Ðền bù cho nhà đầu tư (ICC) được lập ra để quản lý Quỹ Bồi thường nhà đầu tư (ICF). Quỹ có nhiệm vụ bù đắp các thiệt hại về tài chính cho nhà đầu tư do các tổ chức kinh doanh chứng khoán bị phá sản hay vỡ nợ…
Ở thị trường Ðài Loan, Trung tâm Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC) được thành lập và đại diện nhà đầu tư tham gia tranh tụng với công ty chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm thanh toán bù trừ.
SFIPC được trao các đặc quyền như quyền khởi kiện, tố tụng nhân danh nhà đầu tư khi được ủy quyền từ tối thiểu 20 nhà đầu tư có quyền lợi bị xâm phạm và quyền sử dụng quỹ bảo vệ nhà đầu tư để chi trả thiệt hại khi các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính.
Còn tại Hoa Kỳ, Công ty Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Bảo vệ nhà đầu tư năm 1970 của nước này.
Nhiệm vụ chính của SFIPC là hoàn trả chứng khoán, tiền hoặc các loại chứng khoán khác cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty môi giới và kinh doanh chứng khoán bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, tài sản của nhà đầu tư bị mất.
Từ đây, có thể thấy rằng, ngay cả thị trường chứng khoán ở nhiều nước phát triển trên thế giới đã ra đời và hoạt động hàng trăm năm, khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán có tiềm lực tài chính mạnh vẫn cần sự tồn tại của công ty bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
Do đó, tiếp thu đề xuất này, tác giả mong rằng trong các bản dự thảo mới Luật Chứng khoán sau này, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ bổ sung quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư để đảm bảo sự minh bạch, giúp cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam và đón các làn sóng đầu tư nước ngoài đang hướng vào Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, tổ chức bảo vệ nhà đầu tư. Đây sẽ là tổ chức đại diện, thay mặt các nhà đầu tư khởi kiện các thành viên khác của thị trường khi có các hành vi vi phạm, đồng thời bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư cá nhân khi các công ty chứng khoán bị phá sản hoặc không có khả năng thanh toán. Quan điểm của ông như thế nào?
LS Nguyễn Thanh Hà: Các nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người chiếm số đông trên thị trường chứng khoán và giúp hoạt động môi giới của nhiều các công ty chứng khoán sinh lời. Tuy vậy, họ lại là những người chịu nhiều thiệt thòi khi chưa có nhiều cơ chế bảo vệ trước rủi ro của thị trường.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trước đây đã đưa ra quy định về quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán tại Điều 91, đây được coi là quyền lợi cơ bản bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt trong bối cảnh các công ty chứng khoán đang trong quá trình tái cấu trúc.
Cụ thể, dự thảo quy định “Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán hình thành từ sự đóng góp của các công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán để hoàn trả một phần cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản. Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán quản lý và phải được tách bạch với tài sản của Sở giao dịch chứng khoán. Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức hoàn trả, phương thức quản lý quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, ở những lần dự thảo tiếp theo đến nay thì quy định này đã bị bỏ đi với nhiều lý do khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng phải nhận định rằng, không phải công ty chứng khoán nào cũng hoạt động minh bạch và có tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, thậm chí một số công ty chứng khoán đã phá sản, đó là chưa kể đến nhiều trường hợp công ty có chủ trương lừa đảo nhà đầu tư, hoặc một số nhân viên cấu kết lừa đảo, … việc để một nhà đầu tư chứng khoán nhận biết một công ty hoạt động tốt không dễ.
Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên xem xét quỹ bảo vệ nhà đầu tư theo thông lệ thế giới có mục đích nhằm hỗ trợ quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư.
Tiền từ quỹ này lấy từ lợi nhuận của các công ty chứng khoán và theo đó các công ty này cũng có thể lấy tiền từ các nhà đầu tư thông qua tiền phí, nhưng tính minh bạch cũng cần phải làm rõ khi hiện nay đã có quy định về Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ với mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán. Ngoài ra, cũng cần lưu ý xem xét vai trò đóng góp của ngân hàng (nơi lưu trữ tài sản tiền của nhà đầu tư) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (nơi lưu trữ tài sản chứng khoán) trong trường hợp quỹ này ra đời.
Đồng thời, nên để một định chế pháp lý độc lập quản lý số tiền mà công ty chứng khoán trích lập (thay vì để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý), họ sẽ có các cổ đông nòng cốt và chiến lược quản lý độc lập quỹ này. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng của định chế này không chỉ ở việc đền bù tiền mà còn góp phần lên tiếng và giám sát quá trình hoạt động của các công ty chứng khoán.
Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Chứng khoán trước đây vẫn chưa đưa ra mức bồi thường rõ ràng. Theo quan điểm cá nhân tác giả, mức bồi thường nên là tối đa.
Với quỹ bảo vệ nhà đầu tư Thái Lan (SIPF), mức tiền tối đa SIPF hoàn trả cho nhà đầu tư được quy định như sau: (i) không quá 20% giá trị tài sản của quỹ trong trường hợp thành viên của quỹ không thể hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư theo phân xử của trọng tài; (ii) không quá 80% tài sản của quỹ trong trường hợp thành viên của quỹ không thể hoàn trả tài sản cho nhà đầu tư như yêu cầu của phán quyết từ Tòa án theo pháp luật về phá sản.
Tại Canada (CIPF), họ sử dụng mô hình tỷ trọng tài sản khách hàng trong mối liên hệ với rủi ro tiềm năng của thành viên. Mức độ rủi ro được đánh giá thông qua điểm rủi ro của thành viên và được xác định dựa trên các tiêu chí về mức độ kiểm soát nội bộ, lợi nhuận và vốn của thành viên. Theo đó, việc trích lập quỹ sẽ được tính trên cơ sở tài sản của khách hàng được đảm bảo và xếp hạng theo rủi ro của thành viên. Bên cạnh đó, với các thành viên đã từng có vi phạm quy định về trích nộp tiền sẽ được yêu cầu duy trì mức thu phụ trội trong suốt khoảng thời gian tham gia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: cafef.vn