HĐQT Gemadept vừa ra quyết nghị triển khai phát hành 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 20.000 đồng/cp, tỷ lệ 3:1.
HĐQT Gemadept ( HoSE:GMD ) vừa ra quyết nghị triển khai phát hành 100,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 20.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 3:1, cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ được một quyền mua, cứ 3 quyền mua sẽ được 1 cổ phiếu mới. Cổ phiếu được mua bởi quyền mua cổ phần được tự do chuyển nhượng
Sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ 3.013,8 tỷ đồng lên 4.018,4 tỷ đồng. Công ty dự kiến phát hành trong năm nay, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tổng số tiền 2.009 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh. Về việc phân bổ số tiền này, công ty sẽ trích 800 tỷ đồng (39,8%) đầu tư vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa; 1.000 tỷ đồng (49,8%) đổ vào CTCP Cảng Cái Mép – Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; và 209 tỷ (10,4%) đồng để mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu GMD kết phiên 22/6 tại mức 49.600 đồng/cp, giảm hơn 19% so với mức đỉnh 61.400 đồng/cp ngày 7/ 6. Trước đó, kể từ đầu tháng 2 thị giá mã GMD và nhiều cổ phiếu cảng, vận tải biển đồng loạt tăng trưởng trái ngược với diễn biến giằng co của thị trường. Theo SSI Research, thị trường có thể phản ứng tích cực nhờ dòng tiền đổ mạnh vào những nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ sự kiện căng thẳng Nga – Ukraine. Những kỳ vọng về việc kinh tế thế giới sẽ sớm mở cửa trở lại và quá trình giao thương quốc tế khôi phục cũng là yếu tố thúc đẩy đà tăng giá nhóm cổ phiếu này.
Trong năm 2022, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 49% so với thực hiện cùng kỳ. Trước đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, song do quý I năm nay đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nên ban Tổng giám đốc đăng ký với HĐQT nâng kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 1.200 tỷ đồng.
Quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 880 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 82%. Ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT đánh giá đây là quý có hoạt động kinh doanh chính đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Theo đó, kết thúc quý I, doanh thu đạt 23,2% còn lợi nhuận hoàn thành 29,2% kế hoạch năm.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm nay, đại diện doanh nghiệp cho biết ngày 29/3, siêu cảng nước sâu Gemalink đã ghi dấu mốc son một triệu TEU thông qua cảng chỉ sau một năm vận hành, trở thành cảng đầu tiên trong lịch sử ngành khai thác cảng Việt Nam thiết lập kỷ lục mới này. Trong nửa đầu năm, cảng sẽ hoàn thành lắp đặt bổ sung thêm hai dàn cẩu STS và 6 e-RTG thế hệ mới cùng các trang thiết bị hiện đại khác để nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác. Song song đó, Gemadept cũng đang gấp rút hoàn thành các công tác chuẩn bị để sớm khởi công giai đoạn 2 của siêu cảng để có thể đưa vào khai thác từ năm 2025, nâng tổng công suất của Gemalink lên gần 3 triệu TEU thông qua.
Đồng thời, tại cửa ngõ miền Bắc, ngày 28/12/2021, công ty cũng đã khởi công giai đoạn 2 của cụm cảng Nam Đình Vũ và tính đến hết quý I/2022, dự án đạt 25% tổng khối lượng thi công theo đúng tiến độ đặt ra.
Theo tính toán, khi giai đoạn 2 của Gemalink và Nam Đình Vũ hoàn thành, năng lực khai thác cảng của Gemadept sẽ được nhân lên gấp đôi đạt 6 triệu TEU.
Bên cạnh hai đại dự án Gemalink và Nam Đình Vũ, công ty đã mở rộng cầu cảng, đầu tư thêm trang thiết bị làm hàng hiện đại cho các cảng hiện hữu, nâng cấp hệ thống kho bãi, đầu tư hệ thống vận tải thủy, bộ… nhằm gia tăng công suất khai thác, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, triển khai ứng dụng Cảng thông minh (SmartPort) … để phát huy năng suất, hiệu quả kinh doanh.
Nguồn: cafef.vn