Tại cuộc gặp gỡ báo chí định kỳ ngày 18-10, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cảm ơn báo Tuổi Trẻ, báo Pháp Luật TP đã có loạt bài điều tra về băng nhóm móc túi hành khách đi xe buýt.
Nhân cùng đồng bọn dàn cảnh móc trộm điện thoại của bà cụ – Ảnh: MINH HÒA
Ông Lâm cho biết Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Công an TP.HCM vào cuộc xử lý. Sở cũng giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP triển khai lắp đặt camera ở khu vực phức tạp để nhận diện khuôn mặt, cũng như thêm một kênh cung cấp thông tin cho cơ quan công an.
“TP.HCM là TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà để xảy ra những việc nêu trên thì rất khó chấp nhận được. Một lần nữa, chúng tôi cảm ơn các báo đã đồng hành và phản ánh kịp thời các hiện tượng trên. Chúng tôi sẽ có giải pháp để xử lý tình trạng này”, ông Lâm nói.
Chia sẻ thêm về tình hình xe buýt cũng như thái độ của một số tài xế, ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải – cho biết lĩnh vực vận tải xe buýt hiện nay còn rất nhiều tồn tại khiến người dân chưa hài lòng.
Một mặt, ngành giao thông đã cố gắng khắc phục các tồn tại thông qua việc kiểm tra đưa vào nội dung hợp đồng với các hợp tác xã, đơn vị xe buýt, tăng cường giáo dục tập huấn cho nhân viên xe buýt.
“Trên thực tế, cũng có nhiều gương điển hình của bác tài, tiếp viên nhặt được của rơi trả lại cho người mất, giúp đỡ người tàn tật. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số bác tài, tiếp viên đáng lên án như cãi nhau, đánh nhau, thậm chí lấy vật nhọn đâm anh xe ôm như tài xế tuyến 150 vừa qua”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng nhìn nhận hiện nay các chính sách về vận tải xe buýt còn có nhiều cái chưa phù hợp như đơn giá, định mức, từ đó dẫn đến thu nhập tài xế, tiếp viên chưa xứng đáng với công sức bỏ ra.
“Người ta làm từ 5-6h sáng đến 8-9h tối rất vất vả nhưng lương thấp mà đòi hỏi người ta thế này thế khác thì cũng có cái khó. Nếu chính sách thông qua việc trả lương tăng lên sẽ có sự cạnh tranh, đào thải. Từ đó sẽ khắc phục được vấn đề nêu trên”, ông Hưng nói.
Nguồn: tuoitre.vn