“Về diễn biến tuần tới, tại khung đồ thị ngày của chỉ số đang xuất hiện cây nến xanh dạng hammer cho thấy đà giảm đang dần suy yếu, thanh khoản có sự gia tăng gần 10% so với trung bình 5 tuần trước đó, cho thấy tín hiệu dòng tiền vào đang mạnh lên”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK: Agriseco đánh giá.
Nối gót chứng khoán Mỹ, VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch đầy biến động với những phiên giảm sâu. Ông nhận định như thế nào về diễn biến của thị trường tuần qua?
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK: Agriseco: Theo quan sát của tôi, tuần qua là tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF do đó thị trường có khá nhiều tín hiệu nhiễu. Tuy nhiên xu hướng chính của thị trường vẫn xoay quanh trạng thái giằng co. Trong khi nhóm nhà đầu tư cá nhân và nhóm tự doanh thực hiện bán ròng cả tuần thì ở chiều ngược lại, tổ chức trong nước và khối ngoại lại có đà mua ròng. Điều này đã khiến VN-Index liên tục có những phiên nhúng xuống dưới 1.200 điểm sau đó bật tăng trở lại.
Mặc dù tín hiệu tích cực là mốc hỗ trợ quan trọng này vẫn được giữ vững, tuy nhiên việc kiểm định lại nhiều lần quanh một vùng nhất định sẽ khiến lực đỡ tại đây có thể suy yếu. Chính vì vậy, mốc 1.200 điểm có thể sẽ khó duy trì khi chỉ số lùi về đây trong tương lai.
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Diễn biến thị trường Việt Nam tuần qua khá phù hợp với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Thị trường Mỹ, châu Âu và nhiều thị trường châu Á đều giảm mạnh trước thông tin lạm phát tiếp tục ở mức cao kỷ lục. Điều này trái với dự báo và kỳ vọng của nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư.
Trên thực tế, thị trường Việt Nam xét về mặt điểm số, VN-Index đã diễn biến không tệ khi vẫn trụ trên 1.200 điểm trong khi thị trường Mỹ và nhiều thị trường châu Âu, châu Á đã thủng đáy hồi tháng 5. Tuy nhiên trong bối cảnh còn nhiều biến động, các kịch bản test đáy vẫn có thể còn bỏ ngỏ với VN-Index.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam: Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán tuần qua chủ yếu ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường chứng khoán thế giới. Nguyên nhân đến từ thông tin Fed mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế áp lực lạm phát đang tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điểm sáng trong tuần qua là VN-Index giữ được mốc 1.200 điểm – ngưỡng hỗ trợ tâm lý rất quan trọng của thị trường. Điểm sáng thứ hai đến từ động thái mua ròng tích cực của khối ngoại. Mặc dù lo ngại suy thoái hay rủi ro tăng lãi suất đã hiện hữu, song tâm lý nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá tích cực. Điểm sáng thứ ba là về mặt định giá khi P/E đã về mức rẻ khi P/E thị trường đã tiệm cận sát mốc 12 lần. Trong quá khứ, chỉ có vài lần P/E về dưới mốc này và thị trường có thể hồi phục rất nhanh sau 1 năm.
Những cú rung lắc trong phiên cuối tuần khiến VN-Index có thời điểm nhúng dưới mốc 1.200 điểm. Theo dự báo của ông ngưỡng hỗ trợ quan trọng này có giữ vững trong tuần sau?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Về cơ bản các mốc hỗ trợ được hình thành dựa trên xu hướng hành vi giá lặp lại. Các nhà đầu tư khi quan sát sẽ thấy chỉ số thường đảo chiều tăng khi điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.200 điểm, do đó họ sẽ đặt lệnh mua tại đây và lặp lại hành động này trong tương lai. Tuy nhiên, hành động lặp lại này sẽ có giới hạn và từ đó sẽ khiến mốc 1.200 điểm có nguy cơ không còn bền vững nếu bị kiểm định nhiều lần.
Về diễn biến tuần tới, tại khung đồ thị ngày của chỉ số đang xuất hiện cây nến xanh dạng hammer cho thấy đà giảm đang dần suy yếu, thanh khoản có sự gia tăng gần 10% so với trung bình 5 tuần trước đó, cho thấy tín hiệu dòng tiền vào đang mạnh lên. Vì vậy dự báo tuần tới, tôi cho rằng VN-Index có thể duy trì đà phục hồi và tiến về lấp Gap quanh vùng 1.220-1.240 điểm và xa hơn là vùng 1.260-1.280 điểm
Ông Bùi Văn Huy: Về mặt chỉ số, việc giữ được mốc 1.200 là điểm sáng lớn đối với thị trường. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ từng nhóm ngành, cá nhân tôi thấy nhiều nhóm ngành quan trọng đã thủng đáy. Có thể thấy rất rõ các nhóm ngành nổi bật thủng đáy là Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản, Thép…đã tạo mức thấp mới so với hồi tháng 5. Điều này khiến số lượng nhà đầu tư tiếp tục thua lỗ là rất nhiều vì đây là các nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao đông đảo nhà đầu tư tham gia.
Việc một số cổ phiếu trụ, thanh khoản kém hoặc một số nhóm ngành đi ngược như Năng lượng, Vật liệu, Tiện tích… (cá nhóm này không khó để dự đoán đi ngược) giúp VN-Index trụ trên 1.200 điểm, nhưng luân chuyển ngành như vậy thể hiện tâm lý phòng thủ rất rõ.
Do đó, tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường hiện tại là khó đoán, vẫn bỏ ngỏ kịch bản test đáy cho Vn-Index. Vùng kháng cự hiện tại của Vn-Index quanh 1.260 điểm, các ngưỡng hỗ trợ là 1.200 và đáy cũ quanh 1.160 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh: Việc Vn-Index giữ được mốc 1.200 là nhờ sự phân hoá của dòng tiền. Khi thị trường tạo đà giảm kéo dài như đợt giảm trước, dòng tiền rút ra khỏi tất cả các nhóm ngành. Tuy nhiên, trong đợt giảm lần này dòng tiền lại phân hoá rõ nét, chủ yếu dịch chuyển vào nhóm phòng thủ (điện, nước), dầu khí,…
Như vậy có thể thấy dòng tiền không rút ra khỏi thị trường mà đang tìm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu. Do đó, cơ hội để thị trường xác lập đà tăng mới là có, song do ảnh hưởng của đợt Fed tăng lãi suất khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng. Do đó, tôi cho rằng những thông tin xấu nhất đã được phản ánh, kịch bản thị trường có thể side way trong tuần tới với dòng tiền suy yếu.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,75% – mức tăng cao nhất kể từ năm 1994 để kiềm chế lạm phát tăng kỷ lục trên 40 năm. Theo chuyên gia, việc Fed tăng lãi suất kỷ lục đã phản ánh hết vào chứng khoán Việt Nam hay chưa?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Việc Fed tăng lãi suất đang làm đảo ngược dòng vốn rẻ đầu tư chứng khoán, đồng thời tạo áp lực lên tỷ giá. Việc Fed tăng lãi suất làm gia tăng chi phí tài chính tại các quỹ ngoại, khi phần lớn họ đều sử dụng đòn bẩy trong giao dịch. Vì vậy, có thể xảy ra việc cơ cấu danh mục và thu hẹp các khoản đầu tư tại các thị trường cận biên, mới nổi để giảm thiểu rủi ro.
Đối với thị trường Việt Nam về lý thuyết cũng sẽ gặp tác động tiêu cực, tuy nhiên tôi kỳ vọng ảnh hưởng sẽ không lớn do Việt Nam vẫn có dự trữ ngoại hối ổn định, nhiều động lực tăng trưởng cũng như nhìn lại các lần Fed tăng lãi suất trong quá khứ.
Ông Bùi Văn Huy: Rõ ràng việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cá nhân tôi đánh giá Fed đang rơi vào thế khó, bởi một mặt phải đối phó với lạm phát, một mặt phải đối diện với nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái.
Việc thị trường đã phản ánh hết thông tin Fed nâng lãi suất 0,75% hay chưa, quan điểm cá nhân tôi cho rằng là chưa. Không chỉ thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Hiện tại nhiều ý kiến đang bình luận “Đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán“, cá nhân tôi cho rằng nhận định như vậy có phần chưa toàn diện vì ngoài rủi ro lạm phát, thị trường còn nhiếu yếu tố khác tác động. Mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu – cổ phiếu – hàng hóa là mối quan hệ động và thay đổi tùy theo bối cảnh kinh tế.
Cá nhân tôi cho rằng góc nhìn liên thị trường vẫn còn rất nhiều rủi ro. Bởi câu chuyện không chỉ dừng ở áp lực lạm phát hiện tại mà có khả năng là “Lạm phát đình đốn” – Stagflation, giống như những năm 1970. Do đó, việc kỳ vọng đỉnh lạm phát là đáy chứng khoán như nhiều đang đưa ra cần phải xem xét kỹ. Dưới góc nhìn các loại tài sản ngoài thị trường cổ phiếu, tôi nhận thấy vẫn còn rủi ro lớn ở thị trường trái phiếu Mỹ & châu Âu. Bên cạnh đó, thị trường tiền số, rất nhạy với dòng tiền và rủi ro cũng đang cho thấy những dấu hiệu rất xấu trong thời gian qua.
Hiện tại, giá cả hàng hóa leo thang là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, những thời điểm nền kinh tế rơi vào suy thoái, giá cả hàng hóa tạo đỉnh và cùng rơi với thị trường cổ phiếu như thời điểm đầu những năm 2000, khủng hoảng 2007-2008 hay đầu dịch Covid năm 2020. Do đó việc khẳng định lạm phát nói chung hay giá hàng hóa nói riêng tạo đỉnh thì chứng khoán tạo đáy, không phải trong bối cảnh nào cũng đúng và cần theo dõi cẩn trọng.
Ông Nguyễn Thế Minh: Đợt tăng lãi suất của Fed đã được báo trước và thị trường đã đoán đúng. Đặc biệt, chúng ta cần nhớ là Fed đang đi trên bàn cân giữa việc kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định nền kinh tế. Nếu Fed tăng lãi suất mạnh tay đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra hệ luỵ lớn đối với nền kinh tế. Do đó, Fed sẽ vừa đi vừa “dò đường” để nhìn phản ứng của nền kinh tế cũng như thị trường.
Trong một thông báo mới đây, Chủ tịch Fed cho rằng mỗi đợt tăng lãi suất sẽ có sự thông báo. Do đó, khả năng ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất là có, song sẽ tác động trong thời gian ngắn và không tạo ra cú sốc với thị trường.
Bên cạnh đó, Fed tăng lãi suất thì hầu như khối ngoại sẽ bán ra. Song hai năm trước họ bán ra nhiều nên hiện khó bán thêm. Về tỷ giá, nguồn dự trữ ngoại hối vẫn thừa để kiềm chế tỷ giá tăng thêm.
Có ý kiến cho rằng lạm phát mới chính là “kẻ thù” của chứng khoán chứ không phải lãi suất. Tại Việt Nam, nhiều tổ chức lớn vẫn dự báo lạm phát vẫn duy trì mức ổn định. Tuy nhiên, với việc giá dầu cùng giá cả hàng hoá leo thang như hiện nay, ông cho rằng lạm phát thời gian tới có đáng ngại? Nếu có thì sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo quan điểm của tôi, với nền kinh tế mở và chịu tác động từ những yếu tố “chi phí đẩy” và “cầu kéo” thì áp lực lạm phát giai đoạn tới có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Chỉ số CPI tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ (theo Tổng cục thống kê) chủ yếu do giá xăng dầu trong nước đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong thời gian tới nếu giá dầu duy trì ở mức cao. Mặc dù vậy, CPI 5T/2022 vẫn được kiểm soát khi tăng 2,25% thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017 – 2020. Đà tăng của lạm phát được kiềm chế nhờ giá các mặt hàng thực phẩm không tăng nhiều. Trong đó, giá thịt lợn giảm 20% so với cùng kỳ năm trước đã góp phần điều tiết lạm.
Về tác động của lạm phát lên thị trường chứng khoán, theo Agriseco Research thống kê trong 22 năm kể từ năm 2000, trong môi trường lạm phát dưới 5%, chỉ số VN-Index ghi nhận mức sinh lời 1,8%/tháng. Lạm phát từ 5 – 10% sẽ mang lại tỷ suất sinh lời cao nhất.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam đã trải qua 81 tháng có mức CPI từ 5- 10%, trong các tháng này VN – Index tăng trưởng trung bình 2,71%/tháng – cao nhất so với các mức độ lạm phát khác. Vì vậy, tôi cho rằng nếu lạm phát tăng ở ngưỡng cho phép dưới 10% thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý, nhất là trong bối cảnh GDP vẫn tiếp tục tăng trưởng
Ông Bùi Văn Huy: Đối với riêng thị trường Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng tất nhiên áp lực lạm phát lớn từ bên ngoài sẽ khiến lạm phát trong nước gặp áp lực. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể, áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân khiến lạm phát toàn phần của Việt Nam vẫn được kiểm soát bất chấp giá năng lượng tăng cao là lạm phát thực phẩm (vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI) ở mức vừa phải.
Tuy nhiên mỗi thị trường có một đặc điểm riêng. Thị trường Việt Nam hiện tại, ngoài mặt chịu tác động và áp lực từ thị trường thế giới, anh thấy thanh khoản và dòng tiền có phần kém đi do những lý do đã thảo luận trong thời gian vừa qua: (1) Siết chặt thị trường trái phiếu (2) Hạ margin khi dòng tiền margin (3) Dòng tiền chuyển hướng đầu tư & trở lại sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Thế Minh: Câu chuyện lạm phát ở các nước Châu Âu căng thẳng hơn nhiều bởi phụ thuộc nhiều vào xuất nhẩu. Ngược lại, Việt Nam mạnh về nông nghiệp, đặc biệt còn nằm trên chuỗi cung ứng nên không bị tác động mạnh bởi lạm phát. Trong tuần qua có nhiều tín hiệu cho thấy giá dầu quay đầu giảm mạnh, do đó lạm phát vẫn kỳ vọng duy trì sự ổn định.
Trong bối cảnh vĩ mô khó lường như hiện tại, nhà đầu tư nên hành động thế nào thưa chuyên gia?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để luôn có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường. Ngoài ra, với sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong các phiên gần đây, tôi cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này sẽ là đánh nhanh rút gọn hơn là mua và nắm giữ. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này.
Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC: Cá nhân tôi cho rằng chứng khoán cũng là một kênh đầu tư trong số nhiều kênh đầu tư khác và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi bối cảnh xấu đi, việc hạ tỷ trọng phân bổ vào chứng khoán và tăng tỷ trọng với các loại tài sản an toàn hơn là hoàn toàn hợp lý. Do đó, ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng trước tiên nhà đầu tư nên xem xét lại tỷ trọng tài sản của mình vào kênh cổ phiếu đã hợp lý hay không đã.
Còn đối với riêng kênh chứng khoán, ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ vẫn nên giữ một thái độ cân bằng và thận trọng nhất định. Chưa có gì phải cần quá vội vàng và luôn ưu tiên quản trị rủi ro trong thị trường giá xuống.
Ông Nguyễn Thế Minh: Việc đầu tư trong năm nay rất khó khăn, song không phải không có cơ hội. Nhìn vào chu kỳ năm 2018, Fed tăng lãi suất thị trường vẫn lình xình song vẫn còn cơ hội . Về cơ bản, dòng tiền vẫn yếu nên nguy cơ vẫn cao. Nhà đầu tư vẫn nên đặt chiến lược phòng thủ lên cao.
Theo ông, cơ hội đến với nhóm ngành nào trong bối cảnh lạm phát tăng cao?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi trong bối cảnh lạm phát, cơ hội sẽ nằm tại các nhóm:
Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng giá hàng hóa. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp tự chủ được nguồn đầu vào và hưởng lợi từ giá bán đầu ra do công suất vẫn không thay đổi nhưng giá tăng có thể khiến KQKD của doanh nghiệp khả quan hơn.
Nhóm cổ phiếu Nông nghiệp, Thực phẩm – với đặc thù là ngành nhu yếu phẩm, an toàn và thường có thêm lợi nhuận từ cổ tức cao – cũng là nhóm ngành nên đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Chi phí đầu vào của doanh nghiệp các ngành này (chủ yếu là nhân công) thường tăng chậm hơn giá đầu ra, vì thế biên lợi nhuận sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao khi Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia chiếm tỷ trọng lớn khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô.
Nhóm bảo hiểm: Lạm phát làm tăng rủi ro cho các hoạt động kinh tế khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng lên. Ngoài ra với tỷ trọng tiền mặt và tiền gửi cao của các doanh nghiệp bảo hiểm giúp các doanh nghiệp này được hưởng lợi trong môi trường mặt bằng lãi suất gia tăng.
Nhóm ngành phòng thủ như Điện, Nước, Dược phẩm, Công nghệ do các nhóm này có nhu cầu ổn định, không bị suy giảm bởi sức mua khi lạm phát tăng cao.
Ông Bùi Văn Huy: Cá nhóm ngành hưởng lợi tôi cho rằng bao gồm cổ phiếu Năng lượng, Nguyên vậy liệu, Hàng tiêu dùng thiết yếu, Tiện ích… thể hiện rõ đặc tính của giai đoạn lạm phát cao và tập trung vào các nhóm phòng thủ. Tuy nhiên, trong một số pha thị trường, khó có nhóm ngành đi ngược, kể cả cổ phiếu phòng thủ.
Mặc dù thị trường Việt Nam trong thời gian qua chưa đến pha này. Tuy nhiên quan sát trên thị trường chứng khoán Mỹ, anh thấy rằng trong pha đầu thị trường rơi, Nhóm Tiện ích (phòng thủ) vẫn tiếp tục tăng. Sau đó pha rơi từ tháng 4 tới nay khi thị trường bước vào pha sợ hãi, nhóm tiện tích cũng không thể trụ vững, có phần rơi nhanh hơn.
Do đó nhà đầu tư tham gia vào các nhóm được luân chuyển trong thời gian qua như Năng lượng, Nguyên vậy liệu, Hàng tiêu dùng thiết yếu, Tiện ích…chỉ nên tham gia với tỷ trọng vừa phải, hạn chế mua đuổi giá cao và sẵn sàng chốt lời khi có dấu hiệu xấu.
Ông Nguyễn Thế Minh: Theo tôi, những nhóm ngành theo chu kỳ hồi phục nền kinh tế bán lẻ, hoá chất, vận tải. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng cần được quan tâm.
Nguồn: cafef.vn