Tương lai ngành ngân hàng sẽ không chỉ bó hẹp trong các ngân hàng mà còn có thể mở rộng ra các dịch vụ tài chính khác. Từ đó góp phần tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng mở (Open Banking).
Tại hội thảo Phát triển Hệ sinh thái Tài chính số tại Việt Nam – Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng và bứt phá, do IDG Việt Nam, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền Thông Số Việt Nam đồng tổ chức, Tiến sĩ Phan Thanh Đức – Trưởng khoa Hệ thống thông tin quản lý, Học viện Ngân hàng, đã có bài chia sẻ về Open API và sự phát triển công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong đó, ông Đức có nêu lên vấn đề không phải quá khứ cho thấy lợi nhuận và lượng khách hàng liên tục tăng dù không có công nghệ là ngân hàng không cần phải chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động chính là nghĩ cho tương lai và hướng đến khách hàng nhiều hơn. Vì thực tế không phải tất cả khách hàng đều hài lòng với dịch vụ của ngân hàng.
Chuyên gia cũng đánh giá, theo kế hoạch của Chính phủ đến 2025, kinh tế số đóng góp ít nhất khoảng 20% GDP. Nếu so sánh với mức đóng góp hiện tại, dư địa để phát triển còn rất lớn.
Về tương lai ngành ngân hàng, ông nhận định “Ngân hàng sẽ không còn là nơi chúng ta đến nữa mà là việc chúng ta làm.” Ông cũng cho rằng khái niệm này sẽ không chỉ bó hẹp trong các ngân hàng mà còn có thể mở rộng ra các dịch vụ tài chính khác. Từ đó góp phần tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng mở (Open Banking)
Chuyên gia cho biết, với mô hình truyền thống, các nhà băng sẽ cố bán sỉ cho khách hàng. Ví dụ như khi khách hàng mở tài khoản, các nhân viên sẽ cố bán các gói dịch vụ đi kèm của chính ngân hàng. Các sản phẩm cũng chỉ xoay quanh 4 loại hình chính như thanh toán, cho vay, đầu tư và tiết kiệm.
Đối với open banking, câu chuyện sẽ không còn là bán sỉ, mà là chia nhỏ các sản phẩm ra để bán. Nhờ sự hỗ trợ của giao diện lập trình ứng dụng (API) mà các ngân hàng có thể hoàn thiện hơn cũng như cụ thể hơn các sản phẩm phục vụ khách hàng.
“ví dụ như so sánh tỷ giá, thông thường cách đơn giản và thủ công nhất đó là chụp màn hình để so sánh, còn để làm được câu chuyện ấy tự động thì đó là API”, Ông Đức chia sẻ.
Chuyên gia cho biết, quan trọng nhất của API đảm bảo truy cập dữ liệu khách hàng một cách an toàn thông qua các kết nối liền mạch với các định chế tài chính. Thứ hai là quản lý gian lận, định danh và giải quyết các tranh chấp. Cuối cùng là cho phép các định chế tài chính phát triển và phân phối các sản phẩm.
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm về 4 mức độ phát triển trong việc quản lý chia sẻ thông tin dữ liệu khách hàng trên thế giới.
Thứ nhất là các quốc gia yêu cầu các ngân hàng bắt buộc chia sẻ dữ liệu và yêu cầu bên thứ ba đăng ký với các cơ quan quản lý.
Mô hình thứ hai là các quốc gia không ban hành các quy định pháp lý cụ thể hoặc bắt buộc các ngân hàng chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba và để thị trường tự quyết định về việc chia sẻ dữ liệu.
Với mô hình thứ ba, các quốc gia sẽ xây dựng các chuẩn mực về API mở
Cuối cùng là mô hình các ngân hàng đang tiến hành xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng mở.
Chuyên gia đánh giá, mặc dù Việt Nam vẫn chưa có mô hình phát triển cụ thể và vẫn còn nhiều thách thức phía trước, song Ngân hàng Nhà nước cũng đặt kỳ vọng rất lớn và đã có chiến lược rất rõ. Theo đó, có 4 mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Cụ thể, phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu trước 2023 đó là 1) Nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn về Open API; 2) nghiên cứu và xây dựng hướng dẫn chia sẻ dữ liệu ngành. Giai đoạn (2025-2027), phấn đấu hoàn thành mục tiêu 3) thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và các bên thứ ba để thực hiện phân tích rủi ro dựa trên dữ liệu thay thế và 4) thúc đẩy ứng dụng mô hình BaaP với các bên thứ ba
Nguồn: cafef.vn