Hơn 140.000 tỷ đồng của hệ thống ngân hàng tạm rời thị trường, qua đợt cao điểm thứ 2 trong hoạt động hút bớt tiền về của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 18/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Sau hai phiên liên tiếp với quy mô lớn liền trước, lượng hút về hôm nay chỉ còn 10.200 tỷ đồng, chỉ còn kỳ hạn 7 ngày và lãi suất vẫn ở 2,6%/năm.
Với kết quả trên, tổng số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đang lưu hành hiện đã lên tới 140.254,7 tỷ đồng. Lượng tiền lớn theo đó đã tạm rời thị trường; trong đó có hơn 24.000 tỷ đồng kết dư của đợt cao điểm hút về trong tháng 7 (gắn với tín phiếu kỳ hạn 56 ngày, kỳ đáo hạn phải đến 12/9 tới).
Trước đó, ở đợt cao điểm đầu tiên, sau hai năm tạm ngừng, từ cuối tháng 6/2022 Ngân hàng Nhà nước đã trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Diễn biến này khá đột ngột bởi tần suất dồn dập và quy mô lớn, thay đổi hoàn toàn trạng thái thị trường và lãi suất trước đó. Quy mô hút về cao điểm ở đợt này lên tới hơn 170.000 tỷ đồng.
Điểm được chú ý, diễn biến trên hoàn toàn không có tín hiệu và định hướng đối với thị trường. Tương tự, trước thêm cuộc họp chính sách vừa qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhà nước cũng đột ngột “thả nổi” lãi suất trên thị trường mở (OMO), tăng vọt, thay vì cố định quen thuộc và kéo dài trước đó.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND cũng liên tục biến động rất mạnh: lãi suất qua đêm từ quanh 0,4%/năm cuối tháng 6 liên tiếp tăng vọt lên hơn 5%/năm chỉ sau khoảng một tháng, rồi lại liên tiếp lao dốc xuống gần 2%/năm gần đây.
Tuy nhiên, với đợt cao điểm thứ 2 hút bớt tiền về đang thể hiện, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu tạm tìm điểm cân bằng mới. Cập nhật đến sáng nay (18/8), lãi suất VND qua đêm đã tăng trở lại, tạm ở 2,41%/năm và vẫn thấp hơn lãi suất USD qua đêm (ổn định thời gian gần đây quanh 2,5%/năm).
Tạm tìm điểm cân bằng, bởi sau hai tháng đầy biến động nói trên, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam lại tiếp tục đón đợi diễn biến ở bên kia bán cầu.
Biên bản phiên họp chính sách tháng 7 của Fed công bố sáng nay theo giờ Việt Nam cho thấy việc tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo vẫn là phù hợp đến khi lạm phát quay lại mức mục tiêu 2%. Theo đó, kỳ họp chính sách tháng 9 tới của Fed dự kiến sẽ có thêm tác động đối với Việt Nam.
Hiện tại, những biến động rất mạnh và bối cảnh trên thị trường liên ngân hàng vẫn được cách ly nhất định đối với thị trường 1 (với dân cư và các tổ chức kinh tế). Trong khi đó, sau đợt tăng rất mạnh từ cuối tháng 5, tỷ giá USD/VND đã có quãng ổn định khoảng một tháng trở lại đây.
Tuy vậy, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì trạng thái cao hơn mức trần quy định đối với giá niêm yết ở thị trường 1 của các ngân hàng thương mại, cũng như có những phiên cao hơn mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết bán ra ngoại tệ.
Theo đó, để bình ổn tỷ giá với trạng thái trên, dự tính Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bán ra ngoại tệ và nguồn lực để bình ổn này đã không còn mang tính thời điểm nữa.
Nguồn: cafef.vn