“Khó xoay nguồn tiền, có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là giải pháp tình thế”

"Khó xoay nguồn tiền, có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là giải pháp tình thế"

Tình trạng chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp ngành bất động sản, xây dựng (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, đặc biệt là vốn tín dụng và vốn qua phát hành trái phiếu, tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau đang ngày càng tăng, thậm chí có doanh nghiệp doanh thu 1.000 tỷ nhưng bị chiếm dụng vốn 700 tỷ…

TS. Lê Xuân Nghĩa

Chuyên gia tài chính ngân hàng
71 bài viết
  • Khi chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng, mức tăng tín dụng không được nới rộng cũng là lúc các nguồn vốn, nguồn lực khác cần được đẩy mạnh và phát huy hơn.
    Tại: Đằng sau quyết định giữ nguyên định hướng điều hành tín dụng 14% của Ngân hàng Nhà nước
  • Tạm thời trong Quý 3 chưa nên đụng đến chính sách tiền tệ. Để chống lạm phát chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm thuế, trong đó có thuế xăng dầu.
    Tại: Vì sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc đua lãi suất toàn cầu?

Sau giai đoạn bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhất là ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Nguyên do chủ yếu xuất phát từ những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN).

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ nhóm bất động sản là CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng giá trị phát hành 1.800 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng, thị trường TPDN đã có 2 đợt phát hành ra quốc tế trị giá 625 triệu USD và 18 đợt phát hành TPDN ra công chúng cùng 344 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 220.596 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng trong giai đoạn đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước; còn giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm tới 40% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, dự tính tới cuối năm 2022, tổng đáo hạn trái phiếu là khoảng 84.000 tỷ đồng và cả năm sau là 140.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh huy động nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu sụt giảm, đồng thời việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng gặp khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải tìm một số cách khác để có nguồn tiền trang trải, trong đó, chiếm dụng vốn của doanh nghiệp khác được xem như một giải pháp tình thế.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Niềm tin và Trách nhiệm” do BizLIVE tổ chức sáng 13/9, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay, thực trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau đang diễn ra rất “ghê gớm”.

“Qua trao đổi, tôi thấy doanh nghiệp cho biết doanh thu 1.000 tỷ có khi bị chiếm dụng vốn 700 tỷ. Trong khó khăn có doanh nghiệp coi chiếm dụng vốn là một trong những biện pháp. Thậm chí một lãnh đạo tập đoàn tiết lộ trường hợp bất đắc dĩ có thể chiếm dụng vốn của nhà thầu 6 tháng rồi tìm cách phát hành trái phiếu mới”, ông Nghĩa cho biết.

Thực tế, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau đã và đang diễn ra khá phổ biến, nhất là trong ngành xây dựng, bất động sản. Nhìn vào kết quả kinh doanh và dòng tiền của một số doanh nghiệp xây dựng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như Coteccons, Xây dựng Hòa Bình,… có thể thấy, các khoản vốn bị chiếm dụng dưới các tên gọi khác nhau như “nợ phải thu khách hàng”, “trả trước cho nhà cung cấp”, hay “phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng”… đang tăng lên đáng kể.

Số liệu của Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cũng cho thấy, trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít cũng từ 30 đến 50 tỷ đồng, nhiều có khi đến vài nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết, khi nguồn vốn eo hẹp lại bị nợ đọng lớn, các doanh nghiệp xây dựng phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm nên có những tập đoàn doanh thu một quý hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ, thậm chí âm lợi nhuận.

Cũng theo ông Hiệp, hiện 100% doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng. Thậm chí, có những doanh nghiệp số nợ phải thu vượt xa vốn chủ sở hữu, điển hình như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng.

Hay Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), tính đến cuối tháng 6/2022, vốn chủ sở hữu 1.078 tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ đọng hơn 3.600 tỷ đồng và phải dự phòng nợ khó đòi gần 1.190 tỷ đồng…

Đáng chú ý, việc chiếm dụng vốn không chỉ xảy ra giữa các đối tác với các doanh nghiệp xây lắp mà số liệu từ VACC còn cho thấy, có ít nhất 20-30% doanh nghiệp xây lắp đang nợ lẫn nhau.

Tại một tọa đàm hồi cuối tháng 8, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho biết, số tiền các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, xây lắp đang nợ đọng lẫn nhau lên tới 60.000 tỷ đồng. Cùng với tồn kho gia tăng, việc nợ vay lẫn nhau cũng chính là nguyên nhân khiến vòng quay tiền chậm lại.

“Trước đây, thời gian gia hạn nợ giữa các doanh nghiệp cho nhau là 45 ngày. Tuy nhiên gần đây, đã có những doanh nghiệp nới thời gian cho đối tác vay từ 45 ngày lên 90 ngày, nhưng vẫn không trả nợ đúng hạn”, TS. Cấn Văn Lực nói và cho rằng hiện tượng “đọng vốn” tại doanh nghiệp là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Cũng theo vị chuyên gia, việc các doanh nghiệp hiện nay nợ lẫn nhau và trả nợ không đúng hạn, một phần là hệ lụy từ việc các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn khác, đặc biệt là khi kênh huy động vốn tín dụng chưa được “nới” room và thị trường trái phiếu bị thắt chặt sau sự cố liên quan đến trái phiếu do Tân Hoàng Minh phát hành.

TÁC GIẢ KHÁC

  • TS. Trương Văn Phước

    Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia

    37 bài viết – Mới nhất: Ông Trương Văn Phước: Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá!
  • PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

    Chuyên gia Kinh tế tài chính

    17 bài viết – Mới nhất: Vay được vốn ngân hàng không đơn thuần chỉ chuyện có thêm “room”

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: