Khối ngoại mua ròng gần 300.000 cổ phiếu HDB phiên 16/5

Khối ngoại mua ròng gần 300.000 cổ phiếu HDB phiên 16/5

Trong khi nhiều cổ phiếu ngân hàng khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng với những lần đảo chiều tăng/giảm mạnh phiên 16/5 thì cũng có nhiều mã duy trì được sắc xanh ổn định trong hầu hết toàn bộ phiên như CTG, HDB, VCB,…

Phiên giao dịch hôm nay (16/5), thị trường chứng khoán biến động mạnh, VNIndex có lúc tăng 31 điểm trong phiên sáng, nhưng khi đóng cửa chiều nay lại giảm 10,82 điểm xuống còn 1.171,95 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng sáng nay ngập trong sắc xanh nhưng sau đó nhiều mã đã đào chiều lao dốc. Kết phiên chỉ còn 15 mã tăng giá, 3 mã đứng giá tham chiếu và còn lại 9 mã giảm giá.

Trong khi STB, VIB, PGB,…khiến nhà đầu tư “đau tim” với những lần đảo chiều tăng/giảm mạnh thì nhiều mã duy trì được sắc xanh trong hầu hết toàn bộ phiên như CTG, HDB, VCB,…

HDB hôm nay cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 300.000 đơn vị. Cổ phiếu này có lúc tăng lên 22.950 đồng/cp (tăng 3,4%) trong sáng nay. Trong phiên chiều, khi thị trường đột ngột đảo chiều, nhiều mã bị bán mạnh, HDB vẫn kết phiên với giá 22.500 đồng/cp (tăng 1,4%).

Trong tuần trước (9-13/5), HDB là một trong 4 mã giảm nhẹ nhất trong nhóm ngân hàng. Thanh khoản HDB tuần qua tăng đột biến khi ghi nhận hơn 25,5 triệu cổ phiếu được trao tay theo phương thức thỏa thuận trong 2 phiên 9-10/5, giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Trong quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm. Điểm sáng lớn là thu thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng hơn 94% với đóng góp chính từ mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng và dịch vụ thanh toán, cho thấy dư địa tăng trưởng của ngân hàng còn nhiều. Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỷ lệ thấp trong ngành. Hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) trên 14,2%.

Được biết, năm 2022, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Đáng chú ý, HDBank có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng lên hơn 25.500 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 503 triệu cổ phiếu để chia cổ tức tỷ lệ 25% và phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP. Với số vốn tăng thêm, HDBank dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (4.000 tỷ). Phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Bộ phận phân tích của Chứng khoán VNDirect cho biết, HDBank là ngân hàng bán lẻ tập trung vào phân khúc nông thôn và đô thị loại 2 (chiếm hơn 50% tổng danh mục cho vay). HDBank được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 24% và 22% trong năm 2022-2023 dựa trên tăng trưởng tín dụng cao và thu nhập từ phí vượt trội.

VNDirect đưa ra khuyến nghị khả quan với cổ phiếu HDB với kỳ vọng HDB đã xây dựng nên một mô hình kinh doanh với tỷ suất sinh lợi cao và bảng cân đối kế toán lành mạnh, giúp ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó triển vọng việc ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới sẽ là động lực tăng trưởng mạnh cho HDB trong thời gian tới.

Trong diễn biến khác, mới đây, IFC và HDBank đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận tài chính và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo Chứng khoán SSI, sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp HDBank xây dựng danh mục tài trợ chuỗi cung ứng lên tới 1 tỷ USD trong 03 năm tới; đồng thời phát triển danh mục Tài trợ chuỗi (SCF) – hiện đang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông sản, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ và phân phối tiêu thụ xăng dầu.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: