Bên cạnh những khó khăn về điều kiện, thủ tục, việc các ngân hàng thương mại thận trọng khi xét duyệt hồ sơ cho vay cũng là rào cản với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Liên quan đến việc triển khai Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết đến nay, các ngân hàng đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỉ đồng), đồng thời bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỉ đồng).
Điều kiện khó, thời gian gấp rút
Như vậy, với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% /năm như trên, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỉ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, DN đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Dù gói hỗ trợ 2% lãi suất đã được công bố từ đầu năm nhưng đến tháng 5-2022 mới có nghị định hướng dẫn và đến nay rất nhiều DN phản ánh chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ này.
Ông Nguyễn Viết Toàn – Công ty Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội Doanh nhân quận Tân Phú – cho hay hội làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn và đều được trả lời là chờ hướng dẫn. Đến nay, chưa DN nào tại quận Tân Phú tiếp cận được gói hỗ trợ này. Trong khi đó, thời hạn của gói tín dụng chỉ kéo dài đến hết năm 2023, theo các DN là quá ngắn để xoay xở thủ tục vay vốn và nhận hỗ trợ. “DN kỳ vọng gói hỗ trợ này được triển khai sớm để giảm chi phí tài chính, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, nên kéo dài thời hạn gói hỗ trợ bởi hiện đã là quý III/2022, nếu chỉ áp dụng đến hết năm 2023 thì thời gian thụ hưởng của DN còn rất ngắn” – ông Toàn đề nghị.
Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nêu một số khó khăn của các DN trong quá trình tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất nói trên. Cụ thể, về điều kiện, khách hàng phải đáp ứng các yêu cầu vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay. Nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy rất ít DN đáp ứng điều kiện này.
“Các DN nhỏ và vừa, các HTX khó có thể đạt tiêu chí không có nợ xấu, phải có doanh thu, có tài sản bảo đảm… Trong 2 năm dịch bệnh, nhiều DN phải thu hẹp, ngừng sản xuất, giảm quy mô… Nhiều DN không tránh khỏi nợ xấu, chuyển nhóm nợ” – ông Hùng lý giải.
Để có nguồn vốn kịp thời cho các DN, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề nghị NHNN xem xét giải quyết ngay các vướng mắc khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Ví dụ trong Nghị định 31 quy định các DN muốn được hỗ trợ 2% lãi suất không được tham gia các chương trình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khác. Thực tế ngân hàng TMCP không nắm được các khách hàng đã được hỗ trợ từ các chương trình khác hay chưa.
Vì thế, NHNN cần có hướng dẫn cụ thể nội dung này hoặc cho phép khách hàng cam kết, các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn vay đối với họ, NHNN sẽ xác minh sau hoặc tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận… Có như vậy mới giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhanh chóng, kịp thời.
“Các DN, HTX mong muốn NHNN xem xét nới điều kiện với các đối tượng được hỗ trợ như tài sản bảo đảm, khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn hoặc số dư lãi chậm trả trong 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19” – ông Hùng nói.
DN khó khăn không phải là đối tượng được hỗ trợ
Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, về đối tượng được hỗ trợ lãi suất, Nghị định 31 đã nêu rất rõ là DN, HTX, hộ kinh doanh thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin, hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
Về điều kiện để được hỗ trợ, ông Đông cho biết phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: thứ nhất là các ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc nhóm đối tượng vừa nêu trên; thứ hai là mục đích vay vốn cũng phải để phục vụ các dự án thuộc các ngành nghề được quy định nói trên.
Có một số thắc mắc được đặt ra như đối với những trường hợp khách hàng có giấy đăng ký kinh doanh không quy định cụ thể ngành nghề nhưng mục đích sử dụng vốn vay thuộc các trường hợp được hỗ trợ lãi suất thì có được hỗ trợ không? Ông Đông giải đáp theo quy định hiện hành, tại giấy đăng ký kinh doanh đều thể hiện mã ngành, do đó cần rà soát để xác định mã ngành của khách hàng đó có thuộc các ngành được hỗ trợ hay không.
Về đề xuất nới các điều kiện tín dụng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng đây là phương thức cho vay thông qua các ngân hàng thương mại và tất cả các khoản cho vay phải đáp ứng được các điều kiện tín dụng một cách bình thường, đối tượng được vay là những DN có khả năng phục hồi. Cho nên những DN khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn không phải là đối tượng được hỗ trợ.
“Nền kinh tế hiện nay có rất nhiều gói hỗ trợ, việc cân đối, xử lý các nguồn lực nào, cho đối tượng nào, Nghị quyết 43 của Quốc hội đã xác định tổng thể và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã xác định rất rõ. Quá trình triển khai, chúng tôi cũng sẽ tiếp thu thêm các ý kiến” – ông Tú nói.
Đề xuất nâng room tín dụng
Ông Phạm Huy Hùng cho rằng nhiều ngân hàng còn quá thận trọng trong phê duyệt, một phần do một số ngân hàng đã và sắp “cạn” hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng nên cũng tác động đến tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi, nhất là khoản vay mới. Vì thế, ông Hùng đề xuất NHNN cần sớm xem xét nâng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay vốn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên phong (TPBank), cũng lo ngại về vấn đề này và nêu thực tế room tín dụng 6 tháng cuối năm còn ít có thể sẽ khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm lại.
Trước lo lắng trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tín dụng từ đầu năm đến nay tăng 9,35%, cao gấp đôi so với huy động vốn. Như vậy, lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế rất lớn, đồng nghĩa với khoản lãi mà các DN phải trả cũng rất lớn. Vì vậy, việc các ngân hàng cần làm ngay là nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất chứ không sợ thiếu đối tượng hỗ trợ.
Nguồn: cafef.vn