Lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã chạm mức 6,88%/năm trong phiên giao dịch 7/9, đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2012.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 80 – 90% tổng khối lượng giao dịch) trong phiên 6/9 đã tăng lên 5,71%/năm, vượt qua mức đỉnh ghi nhận vào đầu tháng 2/2016 (5,67%). Đà tăng chưa dừng lại khi đến ngày 7/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã tăng vọt lên 6,88%/năm – mức cao nhất kể từ tháng 9/2012.
Diễn biến này đi ngược với xu hướng hàng năm và dự báo của giới phân tích khi lãi suất liên ngân hàng thường hạ nhiệt sau kỳ nghỉ lễ 2/9. Trước đó, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 đã liên tục leo thang trong nửa cuối tháng 8 và chạm mức 4,42% kết phiên giao dịch 31/8.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh bất chấp việc NHNN liên tục bơm thanh khoản vào thị trường. Trong 3 ngày trước kỳ nghỉ lễ dài, dự báo nhu cầu thanh khoản tăng, NHNN đã bơm ròng tổng cộng 52.919 tỷ đồng qua cả hai kênh OMO và tín phiếu.
Đến đầu tuần này, trước diễn biến lãi suất VND tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, NHNN tiếp tục bơm gần 15.000 tỷ đồng qua kênh OMO ngay phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ và có tới 13 thành viên phải mượn vốn tại đây. Tiếp đó, liên tục trong 2 phiên 6/9 – 7/9, nhà điều hành đã cho 14 và 16 thành viên vay thêm gần 15.000 tỷ và 28.720 tỷ đồng.
Như vậy, không chỉ quy mô mà lượng thành viên tham gia “vay nóng” NHNN đang có xu hướng dày lên cho thấy số ngân hàng ”khát” thanh khoản đang ngày càng tăng. Đồng thời, họ phải chịu lãi suất cao hơn trước rất nhiều so với giai đoạn trước với 4,5%/năm cho kỳ hạn 7 ngày và 4,65% cho kỳ hạn 14 ngày thay vì chỉ 2,5%/năm trước đây.
Đi cùng với hoạt động bơm ròng qua cho vay cầm cố trên OMO, NHNN đã tạm ngừng phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Tính chung trên cả hai kênh OMO và tín phiếu, nhà điều hành đã bơm thêm cho thị trường 38.343 tỷ đồng trong 3 phiên giao dịch sau kỳ nghỉ lễ.
Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến lãi suất VND liên ngân hàng có diễn biến tăng mạnh đến từ nhịp hút ròng mạnh trên 88.000 tỷ của NHNN vào trung tuần tháng 8 (lượng hút ròng theo tuần cao nhất kể từ năm 2019 tới nay). Ngoài ra, hoạt động bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá của NHNN cũng khiến một lượng lớn VND bị rút khỏi hệ thống ngân hàng trong những tuần gần đây.
Một lý do khác khiến nhu cầu thanh khoản gia tăng đến từ việc NHNN chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. Điều này cũng phần lý giải cho diễn biến thanh khoản căng thẳng cục bộ vài ngày gần đây.
Ở một phương diện khác, lãi suất VND liên ngân hàng được đẩy lên cao cũng được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.
Chứng khoán Vietcombank dự báo, lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng trở lại ngưỡng trung bình của năm 2021. Thay vào đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm 2022 có thể cao hơn 1,2-1,5 điểm % so với trung bình năm 2021.
Theo VCBS, trong giai đoạn này, áp lực từ lạm phát kỳ vọng duy trì khi giá nguyên vật liệu thế giới vẫn neo ở mức cao. Điều này cũng khiến nhà điều hành có động thái thận trọng hơn, NHNN với ưu tiên chính sách hàng đầu là kiểm soát lạm phát không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào.
Chuyên gia VCBS cho rằng thông qua công cụ bán ngoại tệ (đổi từ kỳ hạn sang giao ngay) và tín phiếu, thanh khoản sẽ bị hút đi góp phần giảm áp lực tỷ giá, lạm phát. Nhóm phân tích cũng lưu ý đến các mốc sự kiện có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường như các quyết định chính sách tiền tệ của FED trên thị trường quốc tế.
Nguồn: cafef.vn