Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng hoạt động cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn.
Chiều 8-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng. Đây là lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn và bà là thành viên Chính phủ thứ 3 trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã hoàn thành phần trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý ngành.
Nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tập trung vào các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội; việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Nội dung về việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn.
Chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) cho biết hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). “Thống đốc cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng thời gian ra sao”- đại biểu Nguyễn Thị Hồng đặt câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending).
Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.
“Trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội”- bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Nêu tình trạng người dân không vay nợ nhưng thường xuyên bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe doạ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đối với việc đòi nợ của công ty tài chính, trên cơ sở phản ánh của dư luận, NHNN đã rà soát và nhận thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa; quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9 giờ đến 21 giờ…”Chúng tôi đã có những quy định để chấn chỉnh tình trạng này”- Thống đốc khẳng định.
Nguồn: cafef.vn