Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, ABBank dự kiến thông qua kế hoạch lợi nhuận tăng 56% so với năm trước. Ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10% và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE.
ABB: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Hôm nay (20/4), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán ABB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022.
Dự kiến lợi nhuận trên 3.000 tỷ trong năm nay
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 3.079 tỷ đồng, gấp rưỡi so với mức lợi nhuận 1.979 tỷ đồng của năm 2021.
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến ở mức 138.250 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. Tổng giá trị huy động thị trường 1 là 95.234 tỷ đồng tương đương với mức tăng trưởng 18%. Trong đó, tiền gửi khách hàng dự kiến tăng 19%, lên 94.081 tỷ đồng, huy động từ các tổ chức quốc tế là 1.153 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) của ABBank dự kiến theo kế hoạch năm 2022 là 92.250, tăng 17% so với năm ngoái.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng TMCP An Bình năm 2021 ở mức 1,65%. Tuy nhiên theo kế hoạch năm 2022, ngân hàng dự kiến tỷ lệ này có thể tăng lên mức 2,8%. Như vậy, nợ xấu của ABBank trong năm nay có thể tăng thêm 70% so với năm ngoái.
Về định hướng kế hoạch phát triển các mảng kinh doanh, ngân hàng cho biết năm 2022 sẽ tập trung tăng dư nợ cho các sản phẩm vay mua nhà, sản xuất kinh doanh… đối với khách hàng cá nhân.
ABBank cũng sẽ chuyển đổi tập khách hàng, tiếp tục chuyển dịch tỷ trọng sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở mảng ngân hàng bán buôn, ABBank dự kiến khai thác sâu chuỗi tập đoàn, đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2022 cũng là một dấu mốc quan trọng đối với ABBank khi ngân hàng quyết định chuyển đổi chiến lược và giá trị cốt lõi, thay đổi từ bên trong. Ngân hàng cũng đặt ra định hướng phát triển ngân hàng số hơn nữa để cung cấp cho khách hàng đa dạng dịch vụ và những trải nghiệm tiện ích.
Chia cổ tức 10%
Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021. Theo đó, với lợi nhuận sau thuế 2021 là hơn 1.588 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho Quỹ dự phòng tài chính, 2% cho quỹ khen thưởng và phúc lợi. Sau trích quỹ, lợi nhuận còn lại năm 2021 là hơn 1.318 tỷ.
Cộng lợi nhuận còn lại chưa phân phối của các năm trước, ngân hàng có khoản lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đạt hơn 1.360 tỷ, tương ứng với mức cổ tức tối đa có thể chia là 14,45%.
Trong năm 2022, ABBank dự kiến triển khai đợt tăng vốn điều lệ qua 2 hình thức chào bán ESOP và phát hành cổ phiếu thưởng.
Cụ thể, ABBank dự kiến phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 10% để trả cổ tức cho cổ đông và phát hành 5 triệu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, ngân hàng này đã có 2 đợt tăng vốn thông qua chào bán ESOP và phát hành cổ phiếu thưởng. Theo đó, vốn điều lệ tăng từ hơn 5.713 tỷ đồng lên mức hơn 9.409 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng vốn của năm 2022, nếu hoàn tất, ABBank sẽ tiếp tục nâng mức vốn lên hơn 10.400 tỷ đồng.
Số vốn tăng thêm được sử dụng nhằm bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng như hoạt động cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ nhằm, đầu tư phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Xem xét đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE
Cũng tại đại hội, HĐQT trình cổ đông xem xét việc niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Đồng thời, đề nghị cổ đồng uỷ quyền và giao HĐQT quyết định, thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB (chuyển từ sàn UpCOM); Thực hiện các hồ sơ thủ tục cần thiết để thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB; Quyết định các vấn đề khác phát sinh liên quan để triển khai thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB.
Hội đồng Quản trị có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện các nội dung công việc theo uỷ quyền nêu trên (nếu phát sinh) cho Đại hội đồng Cổ đông tại phiên họp gần nhất.
Ngoài những nội dung trên, HĐQT ABBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua một số nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội.
Thời điểm vàng để thay đổi toàn diện
Chia sẻ về định hướng phát triển của ABBank, ông Đào Mạnh Kháng – Chủ tịch HĐQT cho biết: Mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược hành động khác nhau phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nếu như trước đây ABBank bám sát phương châm phát triển bền vững, ổn định thì nay là giai đoạn của sự đổi mới và tăng trưởng. ABBank xác định đây là thời điểm vàng cho sự chuyển đổi toàn diện cả về tư duy, công nghệ và con người để đáp ứng phương pháp tiếp cận mới trong kinh donh tại ngân hàng.
HỎI ĐÁP CỔ ĐÔNG
Cổ đông hỏi: Vì sao tiền gửi khách hàng giảm trong năm 2021?
Trả lời câu hỏi của cổ đông , ban lãnh đạo ngân hàng cho biết huy động tiền gửi giảm không chỉ ở ABBank mà các ngân hàng khác cũng phải điều chỉnh kế hoạch huy động. Trong bối cảnh các ngân hàng đều bắt đầu tăng lãi suất để hút tiền gửi, nếu ABBank tăng mạnh sẽ làm tăng chi phí vốn trong khi đầu ra gặp khó khăn dẫn tới giảm hiệu quả chung của toàn bộ ngân hàng. Trong năm 2021, ABBAnk đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch huy động để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Theo đó, ngân hàng đã tăng huy động vốn trên thị trường 2 với chi phí vốn thấp hơn.
Ngân hàng có cho vay đối với nhóm khách hàng hàng FLC và THM không?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết ABBank không có bất kỳ khoản vay nào liên quan tới FLC cũng như Tân Hoàng Minh.
Tỷ lệ CASA thế nào?
Chia sẻ với cổ đông, TGĐ Nguyễn Mạnh Quân cho biết tỷ lệ CASA giảm năm 2021 không chỉ diễn ra tại nguyên ABBank vì dịch bệnh bùng phát khiến các khách hàng gặp rất nhiều khó khăn. Khách hàng chuyển sang vốn tự có để phục vụ kinh doanh sản xuất khiến tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nhờ lượng khách hàng truyền thống ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ CASA ở 16% và kế hoạch tăng lên 18% trong năm 2022
Cổ phiếu ABB tăng chậm nhưng giảm nhanh nhất ngành, HĐQT nói gì về vấn đề này?
Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết từng phản ảnh vì tình trạng cổ phiếu không có sóng sánh, các thông tin đưa ra không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng xác định ABBank là ngân hàng an toàn, bền vững và không hướng tới sự hào nhoáng bên ngoài. Do vậy ngân hàng luôn lấy sự an toàn của khách hàng lên hàng đầu, không hướng tới các lĩnh vực rủi ro nhất là khi thị trường đang rất biến động. Qua đó mang lại sự hiệu quả và an toàn cho ngân hàng và các cổ đông. Mong cổ đông kiên trì với ngân hàng.
Trả lời thêm về vấn đề này, TGĐ cho biết khi cổ phiếu lên sàn chính thức thì hoạt động kinh doanh mới tác động sâu rộng đến cổ phiếu. Năm 2022, ABB sẽ xử lý dc toàn bộ trái phiếu của VAMC. Do vậy tỷ lệ chia cổ tức sẽ dc nới rộng và NHNN sẽ coi đó là cơ sở để cho ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt. Đây là cơ sở để cổ đông kỳ vọng nhiều hơn về cổ phiếu ABBank trong thời gian tới.
ABBank xử lý như thế nào đối với khoản nợ của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn?
Ông Kháng cho biết ABBank là một trong những ngân hàng tài trợ cho nhóm công ty liên quan đến Công ty Cổ phần Hàng Hải. Và Công ty Đóng tàu Sài Gòn là một trong những doanh nghiệp vay để đóng tàu. Đây là món nợ khó thu hồi do chủ đầu tư đã phá sản. Do đó, ngay đầu năm, HĐQT đã giao Tổng Giám đốc trực tiếp xử lý món nợ của Công ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn.
Thông tin thêm về món nợ này, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Quân cho biết ABBank đã thành công trong việc bán tài sản liên quan đến khoản nợ này.
Như Nhịp sống kinh tế thông tin trước đó, danh sách chủ nợ do Quản tài viên Dương Thanh Thuận lập vào ngày 26/10/2018 cho thấy, Công Ty TNHH Đóng tàu và Cơ khí Hàng hải Sài Gòn nợ của 112 đơn vị, tổ chức với tổng số tiền lên tới gần 2.379 tỷ đồng và gần 24 triệu USD. Trong đó, ABBank có dư nợ cho vay là gần 539 tỷ đồng.
Tin tức sự kiện về:
Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>
Nguồn: cafef.vn