Việc nhiều ngân hàng thời gian qua tăng lãi suất huy động đã làm không ít doanh nghiệp lo lắng về việc chi phí lãi vay có thể bị đẩy lên cao. Nỗi lo càng lớn hơn khi dịp cao điểm sản xuất cuối năm đang đến gần, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh cũng lớn hơn.
-
Việt Nam có thể đối đầu với một mức lạm phát cao là chuyện không quá khó lường. Bởi lẽ bên cạnh áp lực lạm phát từ bên ngoài, một số hàng hóa, dịch vụ trước đây được hoãn tăng giá hay miễn giảm vì đại dịch đến nay cũng đã đến hạn phải điều chỉnh tăng.Tại: Doanh nghiệp vay vốn cần tính trước tình huống lãi suất có thể lên cao trong thời gian tới
-
Bổ sung quy định chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà đất 2 giá. Chuyển tiền chuyển nhượng BĐS qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế.Tại: Chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng: Hạn chế rửa tiền?
Chị Lê Ánh Hồng, một chủ doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết, “năm nay vay vốn khó hơn mọi năm. Hồi giữa năm, tôi hỏi chỗ ngân hàng quen để vay vốn thì họ nói kẹt room không cho vay được. Mới đây tôi nghe nói đã có room cho các ngân hàng nhưng đi hỏi vay thì vẫn nói chưa được, chờ thêm ít ngày nữa. Tôi có tham khảo trước về lãi suất thì ngân hàng báo cao hơn so với lần trước tôi vay khoảng 1,5%. Giờ vốn lưu động không còn nhiều, mùa Tết lại đang đến gần, doanh nghiệp chúng tôi phải mua sắm tích trữ hàng hóa nhưng đi vay thì khó, lãi còn lên cao, xem chừng thời gian tới kinh doanh sẽ khó khăn hơn”.
Theo tổng hợp của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính đến cuối tháng 8, lãi suất huy động 12 tháng bình quân các ngân hàng được ghi nhận mức 5,85%, tăng 29 điểm cơ bản (0,29%/năm) so với cùng kỳ năm trước. Đối với kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao hơn 47 điểm (0,47%). Mức lãi suất huy động đã quay trở lại mặt bằng của tháng 11/2020.
Còn theo dõi của chúng tôi với các thành viên trên thị trường, từ đầu tháng 9 tới nay thêm nhiều ngân hàng tăng tiếp lãi suất huy động, với những cái tên có thể kể đến như MB, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank…Mặt bằng lãi suất đến giữa tháng 9 vì thế cũng đã kéo lên cao hơn.
Về lãi suất cho vay, tại phiên họp chính phủ thường kỳ vừa được diễn ra vào đầu tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú cho biết, lãi suất cho vay bình quân đối với cả dự nợ cũ và mới dao động ở mức 7,9-9,3%, tăng 0,24%. Còn theo, thống kê từ Fiin Group, lãi suất cho vay đã tăng bình quân 40 điểm cơ bản (0,4%) từ mức rất thấp trong quý I/2022.
Dù room tín dụng được nới, doanh nghiệp vẫn e ngại vay vốn vì lo “tiền không rẻ”
Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Dù nhà điều hành đã có những tín hiệu tích cực hơn để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn dễ hơn, song vẫn có một vấn đề đặc biệt được các doanh nghiệp quan tâm đó là lãi suất vẫn tiếp tục tăng, điều này càng được chú ý hơn khi dịp cao điểm sản xuất hàng hóa cuối năm đang đến gần.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp thường sẽ tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu vào cuối năm. Nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh cũng cao hơn, kéo theo nhu cầu vay vốn cũng tăng lên. Thời gian qua các ngân hàng đã liên tục tăng tốc và sẵn sàng trả những mức giá cao hơn trong cuộc đua hút tiền gửi, điều này sớm muộn sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng lên. Nhà nước có thể sẽ có những biện pháp để điều tiết, song lãi suất phải phụ thuộc nhiều sự biến động của thị trường. Doanh nghiệp khi đi vay vốn phải tính trước về tình huống lãi suất có thể lên cao trong thời gian tới.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 09/2022 của công ty chứng khoán ACB (ACBS), trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không ổn định trước áp lực giảm giá của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ, việc cấp bổ sung hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể tạo thêm áp lực tăng lãi suất. Tuy nhiên, tác động này được cho là không đáng kể.
ACBS cũng đánh giá việc “nới room” tín dụng cũng sẽ hỗ trợ cho nhiều ngành có thêm khả năng tiếp cận vốn lưu động phục vục cho việc mua nguyên vật liệu, trả lương cho nhân viên, dự trữ hàng tồn kho phục vụ mùa mua sắm cuối năm.
Chênh lệch giữa huy động và tín dụng ngày một lớn liệu có đẩy mặt bằng lãi suất lên cao?
Bên cạnh yếu tố mùa vụ có thể đẩy chi phí đi vay lên cao, thị trường cũng đang tồn tại lo ngại về việc chênh lệch tín dụng và huy động ngày một lớn có thể khiến cho các ngân hàng tăng tốc trong cuộc đua lãi suất để thu hút nguồn vốn. Từ đó, lãi suất đầu ra cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi room tín dụng vừa được điều chỉnh, các nhà băng có thể sẽ có thêm động lực tăng cường huy động.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, thặng dư thị trường 1 đã âm kể từ tháng 7 khi chênh lệch tín dụng – huy động tiếp tục mở rộng. Tại thời điểm ngày 26/7, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 9,42%, thời điểm cuối tháng 6 con số này chỉ là 9,35%. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng huy động từ mức 4,51% đã giảm xuống còn 4,21%.
Tại chương trình “Dự báo kinh tế vĩ mô Việt Nam cuối năm 2022”, Founder & CEO WiGroup, ông Trần Ngọc Báu chia sẻ, từ năm 2013 đến nay, tiền gửi luôn cao hơn tín dụng. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây lại đang cho thấy điều ngược lại. Dự báo mặt bằng chung lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 điểm % từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá và chênh lệch tín dụng – huy động tăng lên mức báo động.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) gần đây có đánh giá, lãi suất huy động có thể tăng 1 – 1,5% trong cả năm 2022. Lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, song có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động và có sự phân hóa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Sự kiện:
Xu hướng dòng tiền những tháng cuối năm
Xem tất cả >>
- Lo lãi suất cho vay tăng cao
- Giữa tháng 9, gửi tiền online ở đâu hưởng lãi cao?
- Một ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn
- Xu hướng dòng tiền những tháng cuối năm: Chọn an toàn hay mạo hiểm?
- Sau room tín dụng, doanh nghiệp lo lãi suất tăng
Nguồn: cafef.vn
TÁC GIẢ KHÁC
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng