Nhu cầu về vàng của Việt Nam trong quý 2 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, do lo ngại về lạm phát và tỷ giá, khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng để phòng ngừa rủi ro.
Nỗi lo về lạm phát và tỷ giá
Theo báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng” mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) trong quý 2 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 948 tấn. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn ETF mạnh mẽ trong quý 1, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vẫn tăng 12% so với nửa đầu năm 2021 ở mức 2.189 tấn.
Nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý 2/2021 lên 14 tấn trong quý 2/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5% trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28% trong quý 2/2022.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro. “Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước. Nhu cầu trang sức tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái cũng là nhờ giá vàng trong nước sụt giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, cùng với gói kích cầu trị giá 15 tỷ USD do chính phủ Việt Nam đề ra”.
Nhìn vào toàn cảnh nhu cầu thế giới, sau đợt phục hồi ban đầu vào tháng 4 về rủi ro địa chính trị và áp lực lạm phát gia tăng, giá vàng đã sụt giảm trong quý 2/2022 khi các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung sang lãi suất tăng nhanh và đồng đô la Mỹ tăng mạnh mẽ.
Báo cáo còn chỉ ra, việc giá vàng giảm 6% trong quý đã tác động đến các quỹ ETF vàng, khi chứng kiến dòng vốn chảy ra 39 tấn trong quý 2. Dòng vốn vào ròng trong nửa đầu năm lên tới 234 tấn, so với dòng vốn ra 127 tấn trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, mức sụt giảm trong quý 2 có thể tạo nên bầu không khí ảm đạm hơn cho các quỹ ETF vào nửa cuối năm, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và lãi suất tiếp tục tăng.
Nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng duy trì tình trạng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 245 tấn trong quý 2. Nhu cầu tăng mạnh đáng chú ý tại Ấn Độ, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp cân bằng tình hình nhu cầu vàng thấp tại Trung Quốc, do phần nào bị ảnh hưởng bởi việc tiếp tục phong tỏa để phòng dịch COVID-19. Do đó, nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng toàn cầu đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 526 tấn trong nửa đầu năm.
Trong lĩnh vực trang sức, nhu cầu vàng trong quý 2 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 453 tấn. Tình hình tăng trưởng mạnh mẽ tại Ấn Độ đã giúp cân bằng với mức nhu cầu giảm đáng kể 29% tại Trung Quốc đại lục, nơi mà thị trường suy yếu do các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động kinh tế và hạn chế việc chi tiêu của người tiêu dùng.
Các ngân hàng trung ương đã mua ròng trong quý 2, tăng dự trữ chính thức toàn cầu lên 180 tấn. Mua ròng đạt 270 tấn trong nửa đầu năm, phù hợp với kết quả khảo sát ngân hàng trung ương gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới hồi tháng 6/2022, trong đó 25% số người được hỏi cho biết họ dự định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tiếp theo.
Về lĩnh vực công nghệ, nhu cầu vàng đã giảm 2% so với quý 2/2021 ở mức 78 tấn, vậy nên, nhu cầu nửa đầu năm 2022 thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 159 tấn. Lĩnh vực điện tử vốn đã tiếp tục hứng chịu sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nay còn đang phải đối mặt với tình trạng người tiêu dùng giảm bớt hứng thú với đồ điện tử do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bắt đầu càn quét. Cả hai trở ngại trên đều gây ảnh hưởng đến sự sụt giảm nhẹ của nhu cầu vàng.
Nửa cuối năm nhiều thách thức
Trong chuỗi dữ liệu báo cáo, sản lượng khai thác vàng nửa đầu năm đạt mức cao kỷ lục 1.764 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân là nhờ một số dự án khai thác các mỏ chất lượng cao hơn, đồng thời ngành khai thác mỏ của Trung Quốc quay trở lại mức sản lượng bình thường sau khi tạm ngừng hoạt động an toàn vào năm ngoái. Giá vàng tăng trong quý 1 cùng những khó khăn và bất ổn kinh tế ngày một gia tăng, dẫn đến mức tăng nhẹ trong hoạt động tái chế, với tổng lượng tái chế trong nửa đầu năm đạt 592 tấn, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận xét, trong nửa đầu năm 2022, các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tràn lan và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy thị trường vàng toàn cầu, nhưng đồng thời thị trường này cũng phải đối mặt với những trở ngại do lãi suất dâng cao cùng đồng đô la Mỹ tăng vọt gần như chưa từng có. Mặc dù giá đã giảm nhẹ từ mức đặc biệt cao trong quý 1, vàng vẫn là một trong những tài sản tăng trưởng tốt nhất trong năm nay cho đến hiện tại.
“Trong tương lai, thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng USD có thể gây ra nhiều khó khăn. Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống dù vẫn có những lĩnh vực đầu tư an toàn”, vị chuyên gia nhận định.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Tổng giám đốc công ty Vàng Việt Nam phân tích, nhìn về giai đoạn cuối năm, có những yếu tố hỗ trợ cho vàng như nhu cầu tích trữ và căng thẳng địa chính trị; còn những yếu tố không hỗ trợ như lãi suất tăng và sức mạnh của USD tăng.
Về yếu tố hỗ trợ, khả năng vào cuối năm nay, yếu tố địa chính trị có thể sẽ tiếp tục căng thẳng, khi nhu cầu về năng lượng quay trở lại, vì châu Âu bước vào mùa thu đông. Vừa qua, châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và họ đang rất quyết liệt trong vấn đề này. Ngoài ra, Thụy Điển và Phần Lan cũng đang xin gia nhập NATO và đã được đồng ý, vì thế căng thẳng địa chính trị phần nào sẽ quay lại.
“Tôi kỳ vọng giá vàng có thể quay về mốc 1.800-1.900 USD vào cuối năm nay. Đồng thời, đáy của giá vàng thường rơi vào mùa hè và tăng trở lại vào tháng 10-11 khi nhu cầu vật chất tăng lên, nhất là ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, kể cả Việt Nam bước vào mùa cưới”, ông Hưng cho biết.
Nguồn: cafef.vn