“NĐT hoàn toàn có thể bỏ tất cả tài sản đầu tư của mình vào rổ ETF, về mặt lý thuyết nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận rất tốt trong dài hạn”
Người xưa có câu “ôm rơm rặm bụng” ám chỉ những người ôm đồm quá nhiều việc, điều mà trên thị trường chứng khoán cũng xảy ra khi có nhiều “chứng sĩ” ôm nhiều cổ phiếu rồi “mang bệnh” khi thị trường đỏ lửa.
Hiểu được tâm lý đó, “Bí mật đồng tiền” số 24 với chủ đề “Ở đây trị chứng ôm rơm” sẽ “bắt bệnh” cho các nhà đầu tư bằng một công cụ được ví như thứ thuốc đặc trị: quỹ ETF – một công cụ đầu tư khá thú vị và mới mẻ tại Việt Nam.
Nhắc tới quỹ ETF, ông Tô Xuân Nam, Chuyên gia quỹ cổ phiếu, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ đây là sản phẩm tương đối mới ở thị trường Việt Nam trong khi các thị trường phát triển như Mỹ lại rất phổ biến. Định nghĩa về quỹ ETF (Exchange Traded Fund) là quỹ hoán đổi danh mục tập hợp rổ 20-30-50 công ty theo chiến lược định sẵn dựa trên chỉ số nhất định. ETF đi theo chiến lược đầu tư mà ở đó càng bám sát được chỉ số chính càng tích cực.
Ông Nam nhắc tới câu nói nổi tiếng “Không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ“, song không áp dụng cho các quỹ ETF. “NĐT hoàn toàn có thể bỏ tất cả tài sản đầu tư của mình vào rổ ETF, về mặt lý thuyết nhà đầu tư sẽ đạt được lợi nhuận rất tốt trong dài hạn” chuyên gia SSIAM khẳng định.
Ngoài ra, xét sự khác biệt chính giữa đầu tư quỹ ETF và quỹ mở, ông Nam cho biết các quỹ ETF được list trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể giao dịch mua và bán dễ dàng như cổ phiếu. Bên cạnh đó, so với các quỹ mở, ETF thường có phí quản lý thấp hơn rất nhiều dao động 0,65%-0,8% trong khi quỹ mở rơi vào khoảng 2%. Thường các chiến lược đầu tư ETF là thụ động và bám sát thị trường, bám sát các chỉ số chiến lược đã được định sẵn trước khi thành lập.
Chuyên gia SSIAM cũng lưu ý về những hạn chế của ETF. Do các quỹ ETF bám sát theo chỉ số, khi thị trường đi xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quỹ mà không có công cụ nào để quản lý rủi ro. Việc “timing” thị trường, dự báo hay phòng ngừa rủi ro khi thị trường đi xuống khá là khó khăn kể cả với các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất.
Về phương diện nguyên tắc hoạt động, ông Nam chia sẻ các quỹ ETF đều dựa trên “rule-base” nghĩa là quy tắc đã được định sẵn theo hệ thống trước đó. Việc cổ phiếu đạt được những tiêu chí như: trung bình thanh khoản trên thị trường, giá trị vốn hoá… sẽ được đưa vào danh mục đầu tư. Liên hệ tới việc FTSE Vietnam ETF không thêm mới cổ phiếu nào trong kỳ cơ cấu quý 2, ông nhận xét sự kiện này là điều dễ hiểu. “Trước đây, thị trường thanh khoản thấp, mỗi động thái NĐT nước ngoài đều tạo ra ảnh hưởng lớn bởi nguồn tiền lớn đầu tư vào cổ phiếu nào đó, hoặc rút ra nhiều khả năng ảnh hưởng đến giá phiếu đó. Gần đây, thanh khoản thị trường đã tốt hơn, rất nhiều NĐT cá nhân tham gia thị trường nên ảnh hưởng của việc tái cơ cấu chỉ số không tạo ra quá nhiều biến động như trước.” chuyên gia đánh giá.
Bàn luận về việc tăng SSI được chấp thuận chào bán gần 500 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gần 15.000 tỷ đồng, ông Phạm Lưu Hưng (Mr.X30) – Kinh tế trưởng SSI nhận định đây là thông tin tích cực với nhà đầu tư dài hạn. Khi một công ty chứng khoán nói chung và SSI nói riêng tăng VĐL, công ty đó sẽ có cơ sở vốn đủ lớn để triển khai các quy định luật chứng khoán mới, để cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ mới hơn đến khách hàng. Ông Hưng cho rằng việc tăng vốn nên tiếp cận dưới góc nhìn tương lai, dài hạn chứ không nên nhìn trong ngắn hạn.
Kinh tế trưởng SSI chia sẻ thêm NĐT có nguồn vốn ngắn hạn nên mua lại cổ phiếu sau ngày chốt quyền chia cổ tức. Còn đối với đầu tư dài hạn, mua trước hay sau thời điểm này đều không thành vấn đề.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nam – chuyên gia ETF của SSIAM bổ sung thêm chiến lược đầu tư “event driven” xảy ra cùng sự kiện doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, NĐT có thể tranh thủ tạo ra lợi nhuận ngắn hạn bằng cách theo dõi tâm lý và phản ứng của thị trường. Tuy vậy trong dài hạn, nếu NĐT tin vào tiềm năng của doanh nghiệp và khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai với giá trị nội tại thì việc mua trước hay sau đều không quan trọng.
Nguồn: cafef.vn