Trong khi nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn đang ở mức cao, kể từ cuối tháng 6/2022, tín dụng đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, nếu Ngân hàng Nhà nước không kịp thời tháo gỡ vấn đề room tín dụng.
Tín dụng có xu hướng tăng chậm lại
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước trên 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2021.
Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng trước và tăng 12,77% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng trước, tăng 8,91% so với cuối năm 2021.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, mức tăng 11% chỉ trong 8 tháng cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vài năm gần đây, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Tuy vậy, theo dõi diễn biến tín dụng hàng tháng cho thấy, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh lại đang có xu hướng chậm lại trong hai tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng trên địa bàn đã tăng 10,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi tháng tăng 1,7 điểm % và mức tăng này chỉ còn khoảng 0,5 điểm % bình quân trong 2 tháng 7 và 8/2022.
Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm lại được cho là nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho hồi đầu năm, các ngân hàng buộc phải co kéo trong hạn mức ít ỏi để hỗ trợ khách hàng.
Việc room tín dụng hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất trên địa bàn mới đạt hơn 276 tỷ đồng cho 17 khách hàng và số tiền đã hỗ trợ lãi suất đạt 480 triệu đồng, tập trung chủ yếu thực hiện trong tháng 8.
Không riêng ở Tp.Hồ Chí Minh, tín dụng cũng có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong quý III/2022 do nhiều ngân hàng cạn room tín dụng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước.
Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể. Tính đến ngày 15/8, tín dụng cả nước tăng 9,6%, trong 45 ngày, tín dụng chỉ tăng thêm 0,3 điểm % là mức khá thấp so với mức tăng bình quân 1,6%/tháng trong nửa đầu năm.
Doanh nghiệp, ngân hàng “mỏi mòn” chờ nới room
Trong khi đó, ở thời điểm này, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng, kế hoạch kinh doanh phục vụ cho mùa vụ lễ, Tết, cuối năm đang rất bức thiết. Với việc room tín dụng hạn chế, các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận nguồn vốn chính thức từ ngân hàng, bao gồm cả các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ các chính sách hỗ trợ.
Theo ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt Tours, trong 2 tháng gần đây, các ngân hàng giải ngân cho vay rất chậm và thường trễ hơn so với cam kết trong hợp đồng tín dụng vì hết room. Trong khi đó, hiện vẫn đang mùa du lịch, lượng khách đông, các khoản chi vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… doanh nghiệp phải trả đúng hẹn để khởi hành tour. Điều này khiến doanh nghiệp phải tăng dự trữ tiền mặt khi ngân hàng giải ngân chậm, làm chi phí vốn tăng.
Khó khăn này xảy ra với cả doanh nghiệp đã đáp ứng được điều kiện tín dụng và được vay vốn. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị có giải pháp gỡ khó về room tín dụng để tránh tác động “vạ lây”.
Ở góc độ ngân hàng, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank) cũng cho biết, hiện ngân hàng đang ngóng thông tin nới room tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước để giải ngân cho các khách hàng đã được cấp hạn mức nhưng chưa thể giải ngân do hết room tín dụng.
Theo ông Tuệ, tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt gần 7%, hầu như đã sử dụng cạn room tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm. Do hạn mức tín dụng hạn chế, nên trong thời gian qua, ngân hàng chỉ tập trung ưu tiên giải ngân cho nhóm khách hàng hiện hữu, chứ không dám tiếp nhận thêm khách hàng mới.
Việc room tín dụng hạn chế trong khi nhu cầu vốn lớn của doanh nghiệp sau đại dịch đã khiến Sacombank là một trong những ngân hàng phải thông báo hạn chế cho vay bất động sản vào quý II/2022, để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và có thể linh hoạt phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Với room tín dụng từ nay đến cuối năm thực tế cũng còn không nhiều, việc siết room tín dụng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Do vậy, đề xuất nơi room tín dụng liên tục được cộng đồng doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đưa ra trong thời gian gần đây để tháo gỡ bài toán vốn cho nền kinh tế. Điều này cũng giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế, khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ trên cả nước chỉ đạt 1,02 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, hầu hết các ngân hàng có mức tăng trưởng vượt trội so với mặt bằng chung dựa trên các yếu tố như bộ đệm vốn tốt, danh mục tín dụng đa dạng và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc giúp các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong dài hạn, các chuyên gia kỳ vọng các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt, lợi nhuận tăng trưởng bền vững, và sở hữu danh mục tín dụng không có quá nhiều rủi ro tập trung sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Nguồn: cafef.vn