Nhờ ứng dụng số hóa cao trong kinh doanh và quản lý, vận hành, 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Mcerdit đã tăng ấn tượng, gần bằng cả năm 2021.
Mcredit tiếp tục chủ động và đa dạng hóanguồn vốn, tận dụng tối đa lợi thế riêng có từ hệ sinh thái MB Group để duy trì đà tăng trưởng, gia tăng thị phần, tạo tiền đề vững chắc cho giaiđoạn tiếp theo.
Số hóa trong kinh doanh và quản lý giúp lợi nhuận tăng ấn tượng
Thống kê cho thấy, tính đến 31/5/2022, thị trường cho vay tài chính cá nhân đạt 2.260 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% cơ cấu tín dụng của toàn thị trường. Trong đó, thị phần cho vay của các công ty tài chính đối với khoản vay tiêu dùng tín chấp chiếm khoảng 7,5% cơ cấu cho vay tiêu dùng, đạt mức xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2021.
Đứng trước các xu hướng thay đổi mới và nhanh của thị trường, Mcredit vẫn giữ vững đà tăng trưởng, theo đó, 6 tháng đầu năm, công ty đạt 10,8% thị phần, tăng 1,7% so với thời điểm cuối năm 2021.
Cũng theo thông tin từ Mcredit, tính đến hết 30/6/2022, tổng tài sản của Công ty 23.800 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm cuối năm 2021. Tổng doanh số giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022 của Mcredit đạt khoảng 11,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 97% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ lãi 2.934 tỷ đồng kết hợp với 1 nguồn thu ngoài lãi khác 791 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 600 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ.
Đi cùng các xu thế chung của ngành, tỷ trọng doanh thu ngoài lãi của Mcredit đạt mức 21%, cao hơn so với bình quân ngành là 18%, đến từ việc tận dụng tốt ưu thế của hệ sinh thái tài chính toàn diện MB Group.
Cùng với đó, quy mô khách hàng có sự tăng trưởng ổn định, số lượng khách hàng đến tháng 6/2022 đạt gần 2 triệu khách hàng, tăng gần như gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020, khi công ty bắt đầu nghiên cứu và xây dựng chiến lược 5 năm.
Do tiết giảm chi phí và ứng dụng số hóa trong kinh doanh, cũng như quản lý, vận hành, trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Mcredit đã đạt con số ấn tượng với 600 tỷ đồng – con số này gần bằng lợi nhuận cả năm 2021.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng của Mcredit vẫn được quản trị tốt, duy trì ổn định, đặc biệt là trong điều kiện thị trường biến động bởi các yếu tố dịch bệnh trong nửa cuối năm 2021 và một số tháng đầu sau Tết 2022. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức 6,5% và chi phí tín dụng ở mức 7,9%.
Việc triển khai mô hình “Đề xuất giá trị khách hàng” cuối 2021 giúp tăng 27% khách hàng trong phân khúc chiến lược của Mcredit. Cùng với đó, trải nghiệm khách hàng cũng được tối ưu, từ đó, tăng tỷ lệ giữ chân các nhóm khách hàng tốt thêm 7%.
Công ty vẫn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp công nghệ để số hóa toàn bộ hành trình khách hàng giúp tăng trải nghiệm, cùng với đó là triển khai các giải pháp về phân tích nâng cao hành vi khách hàng để tiếp tục tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng, cùng với việc đưa ra các quyết định bán chéo, bán tăng cường phù hợp và hiệu quả.
Thế mạnh về nguồn vốn phát huy tác dụng
Thông tin từ Mcredit cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty vẫn tiếp tục chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn để hỗ trợ cho việc đẩy mạnh kinh doanh. Theo đó, nguồn vốn từ 2 chủ sở hữu (MBBank và Shinsei Bank) mặc dù tăng 27% so với thời điểm cuối năm 2021, tuy nhiên tỷ lệ nguồn vốn của nhóm chủ sở hữu lại giảm từ 68% về mức 65%. Việc có 2 nguồn vốn tương đương nhau của cả 2 ngân hàng sẽ là nền tảng vững chắc, tạo dư địa lớn cho việc ổn định hoặc mở rộng thanh khoản của Mcerdit.
Nhờ tăng trưởng ấn tượng, Mcredit đã lựa chọn Fitch Ratings để tiến hành xếp hạng tín nhiệm độc lập lần đầu với kết quả đạt được là B và triển vọng ổn định. Đây cũng là xếp hạng cao nhất của Fitch cho nhóm các công ty tài chính tại thị trường Việt Nam.
Nguồn: cafef.vn