Nếu như nhóm ngành ngân hàng thu hút lại được dòng tiền, thì dòng tiền chung vào thị trường cũng sẽ được kích hoạt, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch AAS cho biết.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết, sẽ có một đợt mở “van” tín dụng vào giữa tháng 7 này, và sẽ đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt mức 14% cho toàn ngành như mục tiêu đã đề ra.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hàng năm vẫn có đánh giá lại và thường đến tháng 10 sẽ có một mức nới room tín dụng cho một số ngân hàng đạt được những chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra và họ có mong muốn.
“Khi dư địa tăng trưởng lớn như vậy thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc doanh thu rồi tốc độ tăng trưởng về doanh thu, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong sáu tháng cuối năm sẽ hứa hẹn rất tốt”, ông Tuấn nói.
Một điểm đáng lưu ý được ông Tuấn nêu ra, đối với hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong giai đoạn vừa qua do đã sớm chạm trần “room” tín dụng 6 tháng đầu năm, và chưa mở “van” tín dụng 6 tháng cuối năm, nên việc dư thừa tiền tại hệ thống ngân hàng tương đối lớn. Điều này làm cho lãi suất liên ngân hàng ở những kỳ hạn qua đêm, những kỳ hạn ngắn giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mức thấp nhất đã được ghi nhận là 0,3%-0,4%/năm lãi suất qua đêm. Trong khi đó, lãi suất tiền USD trong thị trường liên ngân hàng lại tăng lên đáng kể do chính sách tăng lãi suất của FED. Như vậy, dẫn đến việc nhu cầu tiền USD tăng lên và tác động lên tỷ giá.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều hành rất linh hoạt. Đấy là mở lại kênh thị trường mở OMO để hút tiền đồng về thông qua kênh tín phiếu. Điều này đã làm cho lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức 0,6%-0,7%/năm lãi suất qua đêm trong giai đoạn vừa qua.
Việc đẩy lãi suất liên ngân hàng lên thông qua nghiệp vụ thị trường mở làm cho nhu cầu về tiền USD cũng sẽ giảm bớt, giảm mức chênh lệch lãi suất tiền USD với tiền đồng ở trên thị trường liên ngân hàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện việc bán USD trên thị trường, để làm cho tỷ giá không bị tăng nóng. Việc điều hành này sẽ tạo ra dư địa tăng trưởng rất lớn cho những giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, để bơm tiền đồng ra lưu thông trong giai đoạn tăng trưởng, dự kiến là sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở trong giai đoạn sắp tới, cuối năm 2022 cũng như là sang năm 2023.
Ông Tuấn cũng cho biết, nới room lớn hơn không có nghĩa là dòng tiền sẽ chảy thẳng vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với việc nới room, các ngân hàng thương mại có được dư địa để cung cấp dòng tiền tín dụng cho những doanh nghiệp có năng lực sản xuất có tính chất bền vững. Các doanh nghiệp tiếp cận được dòng vốn của ngân hàng dễ dàng hơn, cho nên khả năng tăng trưởng, khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ chắc chắn sẽ được kích hoạt và sẽ kỳ vọng được việc tăng trưởng lớn hơn.
Khi doanh thu lợi nhuận tăng trưởng mà mức giá cổ phiếu, cổ phần của doanh nghiệp không tăng thì sẽ làm cho chỉ số P/E cũng như là mức P/B của toàn doanh nghiệp giảm xuống và nó sẽ kích thích dòng tiền nhàn rỗi.
Cũng theo ông Tuấn, thanh khoản của nhóm ngành ngân hàng luôn lớn nhất, có thể chiếm 30%-40% giá trị giao dịch của toàn thị trường. Chính vì vậy, việc tăng trưởng hay sụt giảm về giá của nhóm ngành ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến việc thu hút dòng tiền về thị trường. Vì vậy nếu như nhóm ngành ngân hàng thu hút lại được dòng tiền, thì dòng tiền chung vào thị trường cũng sẽ được kích hoạt.
Nhận định về cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, ông Tuấn cho biết, giá cổ phiếu đã giảm 30%-40% so với mức đỉnh của giai đoạn trước, đã đưa chỉ số P/E chung của ngành về từ 10-11 lần và chỉ số P/B của riêng ngành ngân hàng đang nằm ở mức khoảng 1,5 lần giá trị sổ sách của ngành ngân hàng. Đây là một mức tương đối hấp dẫn cho các nhà đầu tư có thể nghiên cứu xem xét những ngân hàng có năng lực tăng trưởng tốt, để đầu tư mang tính chất dài hạn.
Nguồn: cafef.vn