Vào cuối quý I, “đại gia” này nắm giữ cả trăm nghìn tỷ tiền gửi ngân hàng với danh mục đầu tư có 384 tỷ đồng cổ phiếu VNM, 296 tỷ đồng cổ phiếu CTG, 266 tỷ đồng VNR và 166 tỷ đồng MBB. Báo cáo tài chính cho biết công ty dự phòng lỗ gần 17,5 tỷ cho lượng cổ phiếu VNM sở hữu và hơn 2 tỷ cho CTG.
Theo Báo cáo tài chính quý I, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sở hữu danh mục chứng khoán kinh doanh có giá gốc lên tới hơn 2.975 tỷ đồng tại thời điểm 31/3, tăng 4,7% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 1,62% tổng tài sản.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết là cấu phần lớn nhất (chiếm khoảng 70%) với giá gốc hơn 2.087 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thời điểm cuối năm 2021 với các mã chủ lực là VNR, POW, CTG, MBB và VNM. Báo cáo tài chính cũng cho biết, đến cuối quý I, giá trị danh mục đầu tư của BVH có giá trị thuần hơn 2.059 tỷ đồng, đồng nghĩa tập đoàn này dự phòng lỗ hơn 27,7 tỷ đồng.
Đi sâu vào danh mục đầu tư BVH, VNM của Vinamilk là cổ phiếu có giá trị lớn nhất, lên tới gần 384 tỷ đồng và dự phòng lỗ gần 17,5 tỷ đồng. Trước đó, lượng cổ phiếu VNM do BVH sở hữu vào cuối năm 2021 chỉ có giá gốc xấp xỉ 210 tỷ. Điều này đồng nghĩa, BVH đã mua vào khoảng 174 tỷ đồng cổ phiếu VNM trong 3 tháng đầu năm nay.
Trước đó, cổ phiếu VNM đã liên tục lao dốc kể từ đầu năm 2021 và đến nay đã giảm khoảng 40% so với đỉnh lịch sử. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy BVH ”bắt đáy” cổ phiếu Vinamilk.
Bên cạnh cổ phiếu Vinamilk , BVH cũng đã mua thêm gần 11 tỷ đồng cổ phiếu CTG của VietinBank, nâng lượng nắm giữ lên hơn 298 tỷ đồng. Số cổ phiếu này có giá trị thuần vào ngày 31/3 là gần 296 tỷ, đồng nghĩa BVH dự phòng lỗ hơn 2 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu CTG.
Ngoài ra, danh mục đầu tư của tập đoàn còn có gần 266 tỷ đồng cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm quốc gia. Số cố phiếu này liên tục được BVH nắm giữ từ cuối năm 2019 đến này và công ty không dự phòng cho khoản đầu tư cổ phiếu VNR.
Trong nhóm ngân hàng, BVH cũng nắm giữ hơn 166 tỷ đồng cổ phiếu MBB. Con số này tăng khoảng 3 tỷ với cuối năm 2021 và có giá trị thuần tại thời điểm 31/3 là 166 tỷ đồng, tương đương giá gốc.
Ở chiều ngược lại, BVH đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu POW của Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam, giảm giá trị nắm giữ từ gần 171 tỷ xuống còn hơn 122 tỷ đồng. Tập đoàn không dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vào cổ phiếu POW.
Danh mục của BVH còn có 851 tỷ đồng các cổ phiếu niêm yết khác, tăng hơn 4% so với cuối năm 2021 và gần 79 tỷ cổ phiếu chưa niêm yết. Trong đó, các cổ phiếu chưa niêm yết có mức lỗ dự tính lên tới hơn 37,5 tỷ đồng, chủ yếu là khoản dự phòng đối với cổ phiếu MBLand.
Việc mở rộng danh mục đầu tư cổ phiếu vào quý I của BVH diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu điều chỉnh. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng đầu tư chứng khoán của tập đoàn cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tiềm lực tài chính hùng hậu với lượng tiền mặt và tiền gửi lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cho biết, lượng tiền và tương đương tiền (chủ yếu là tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng) của BVH tại thời điểm 31/3 lên tới gần 10.800 tỷ đồng, gấp gần 2 lần mức ghi nhận vào cuối năm 2021. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có hơn 93.400 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Với lượng tiền gửi ngân hàng ‘’khổng lồ’’ và tình trạng lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, việc BVH chuyển dịch tài sản từ tiền gửi sang chứng khoán là điều không quá khó hiểu và phù hợp với xu hướng thị trường.
Kết thúc quý I, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BVH đạt 501 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2021. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt gần 2.027 tỷ đồng, tăng 5%; còn lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 20%, xuống hơn 339 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/3, tổng tài sản của BVH đạt hơn 183.778 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng 9,3% lên gần 161.251 tỷ với phần lớn là dự phòng nghiệp vụ (gần 131.000 tỷ đồng).
Nguồn: cafef.vn