Không đứng ngoài cuộc đua lãi suất, một ngân hàng có mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,9%/năm. Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến cuối năm.
Ngân hàng được nhắc tới chính là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Nhà băng này vừa có sự thay đổi ở các mức lãi suất tiết kiệm áp dụng từ đầu tháng 7, và là ngân hàng có mức chỉnh lãi suất huy động cao nhất trong đợt điều chỉnh lần này.
Cụ thể, với hình thức gửi tại quầy ACB điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 9 tháng, tăng 0,6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng, tăng 0,8%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.
Tại gói gửi tiết kiệm Tài Lộc, mức lãi suất tiết kiệm dao động trong khoảng 3,95-6,2% tùy vào từng kỳ hạn và mức tiền gửi. Hiện tại, ngân hàng đang quy định mức lãi suất khác nhau với 3 khung tiền gửi là: Dưới 100 triệu, từ 100-500 triệu và trên 500 triệu.
Khách hàng gửi số tiền càng lớn với kỳ hạn càng dài sẽ càng nhận được ưu đãi về lãi suất. Ví dụ, với số tiền gửi dưới 100 triệu, khách hàng chỉ có thể gửi ngân hàng với thời hạn ngắn từ 1-3 tháng. Trong đó, mức lãi suất cho các kỳ hạn này được ACB áp dụng là 3,95%/năm với 1 tháng, 2 kỳ hạn còn lại đều là 4%/năm.
Còn nếu khách hàng có số tiền gửi từ 100-500 triệu, mức lãi suất có thể được hưởng nằm trong khoảng từ 4% đến 6,1%/năm ứng với các kỳ hạn từ 1-13 tháng. Đặc biệt với số tiền trên 500 triệu, ACB sẽ áp dụng mức 6,2%/năm khi khách hàng gửi 13 tháng.
Gói tiết kiệm “Chọn sống mới. trọn chất tôi” sẽ dành cho các khách hàng có nhu cầu gửi tiền dài hạn hơn, từ 6-36 tháng. Mức lãi suất khi gửi 6 tháng của gói này dao động từ 5,6-5,9%/năm tùy vào số tiền gửi. Lãi suất cao nhất có thể được nhận lên tới 6,5%/năm áp dụng cho khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng với số tiền trên 500 triệu.
Không chỉ với hình thức gửi tại quầy, khách hàng khi gửi tiền qua kênh online cũng được các ngân hàng ưu ái hơn. Trong đợt điều chỉnh này, ở kỳ hạn 6 và 12 tháng, ACB cũng nâng lãi suất tiết kiệm online thêm 0,3 điểm phần trăm một năm và 0,5 điểm phần trăm một năm cho kỳ hạn 9 tháng.
Kể từ đầu năm đến nay, ACB cũng đã có một vài đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Theo đó, trong tháng 5 ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1%/năm tại nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Đến tháng 6, ngân hàng giữ nguyên khung lãi suất gửi tại quầy xong điều chỉnh tăng 0,2-0,65 điểm phần trăm lãi suất của một số kỳ hạn qua kênh gửi online. Tuy nhiên, theo khảo sát, lần điều chỉnh lãi suất trong đầu tháng này (tháng 7/2022) là mức chỉnh “mạnh tay nhất” của ACB từ đầu năm đến giờ.
Không chỉ ACB, bước sang tháng 7 cũng có nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất như Techcombank, TPBank, Sacombank, MBBank… Ngay cả ngân hàng thuộc nhóm Big4 cũng đã có những động thái tăng lãi suất huy động sau 1 thời gian dài đứng ngoài cuộc đua lãi suất.
Trước đó, các NHTM tư nhân lớn cũng đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 5/2022. Điển hình như Techcombank đã thông bao điều chỉnh lãi suất huy động khoảng 0,3-0,7%/năm từ ngày 23/5. Một ngân hàng khác là VPBank cũng có sự điều chỉnh mạnh lãi suất thêm 0,8%/năm cho các kỳ hạn từ 13-36 tháng kể từ ngày 6/5. Sau đó, ngân hàng này cũng đã tiếp tục chỉnh lãi suất tăng thêm 0,3%/năm vào giữa tháng 5.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 30-60 điểm. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022.
Nguồn: cafef.vn