Người Việt ngày càng giàu có và số tiền gửi ngân hàng cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu so với thời điểm cách đây 10 năm thì GDP bình quân đầu người cao gấp hơn 2 lần còn lượng tiền gửi bình quân trên đầu người cao gấp 3,4 lần.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,475 triệu tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2021. Với dân số hiện vào khoảng 98,9 triệu người (theo danso.org), bình quân mỗi người dân Việt Nam đang sở hữu 55,3 triệu đồng tiền gửi ngân hàng.
Dữ liệu cũ nhất được NHNN công bố (cũng là lần đầu tiên công khai các số liệu này) cho thấy vào cuối tháng 4/2012, tổng lượng tiền gửi của dân cư đạt hơn 1,449 triệu tỷ đồng. Dân số Việt Nam vào thời điểm đó là gần 88,8 triệu người, tương ứng bình quân mỗi người dân Việt Nam có khoảng 16,3 triệu đồng tiền gửi ngân hàng vào cuối tháng 4/2012.
Như vậy, trong gần 10 năm qua, lượng tiền gửi bình quân mỗi người Việt Nam đã tăng thêm 39 triệu đồng, lên gấp 3,4 lần vào cuối tháng 4/2012.
Tiền gửi ngân hàng bình quân tăng trong giai đoạn trên là điều dễ hiểu khi thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Theo dữ liệu của IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2011.
Tiền gửi của dân cư tăng chậm hơn doanh nghiệp
Mặc dù liên tục mở rộng trong những năm vừa qua nhưng tiền gửi của dân cư vẫn tăng chậm hơn tiền gửi doanh nghiệp cũng như tổng phương tiện thanh toán, đặc biệt là trong hai năm gần đây khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid.
2021 đánh dấu năm đầu tiên số dư tiền gửi ngân hàng của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhiều hơn nhóm khách hàng cá nhân. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán vào cuối năm trước đã đạt trên 13,4 triệu tỷ đồng, tăng 10,66%. Trong đó, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng trưởng lên tới 15,7%, đạt hơn 5,645 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2021. Trong khi, tốc độ tăng trưởng huy động vốn từ nhóm dân cư chỉ ở mức thấp, khoảng 3,08%, đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng.
Xu hướng này tiếp tục duy trì trong quý I/2022 khi tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi tổ chức kinh tế đạt lần lượt 3,45% và 3,89%, còn tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,28%.
Đến cuối tháng 3, quy mô tiền gửi của tổ chức đã cao hơn tiền gửi dân cư gần 390.333 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn từ 2017-2018, số dư tiền gửi ngân hàng của dân cư đều cao hơn từ vài trăm nghìn tỷ cho tới hơn 1 triệu tỷ đồng so với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đảo chiều này. Thứ nhất, mặc dù lãi suất tiền gửi lại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì thực dương nhưng mặt bằng chung đã thấp hơn trước rất nhiều, đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021. Đây là lý do người dân không còn quá mặn mà với kênh gửi tiết kiếm ngân hàng.
Thay vào đó, người dân có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Năm 2021, có tới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mở mới, bằng 4 năm trước cộng lại và vẫn đang tăng với tốc độ vũ bão.
Ngoài ra, riêng năm 2021 chứng kiến nhiều tháng người dân rút ròng tiền gửi khỏi ngân hàng, đặc biệt là trong quý 3 khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh. Thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng, đồng thời các biện pháp giãn cách cũng khiến khách hàng khó đến ngân hàng để gửi tiền.
Trong khi đó, doanh nghiệp lại ngày càng gửi nhiều tiền vào ngân hàng do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ ngại ngần trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc gửi lượng lớn tiền mặt vào ngân hàng cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng thời chờ khi nền kinh tế phục hồi để tận dụng cơ hội bứt phá.
Bên cạnh đó, bất chấp đại dịch, nhiều công ty, tập đoàn lớn vẫn “ăn nên làm ra” và gửi thêm thêm hàng nghìn tỷ đồng vào ngân hàng trong năm qua. Chẳng hạn số dư tiền gửi của Tập đoàn Masan cuối năm 2021 đạt tới 22.200 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cuối năm 2020. Tập đoàn FPT tăng thêm hơn 9.000 tỷ, nâng tiền gửi lên hơn 26.000 tỷ đồng,…
Sự kiện:
Dịch chuyển dòng tiền
Xem tất cả >>
- Nếu cứ “lấy của người giàu chia đều cho người nghèo” thì bình quân mỗi người Việt Nam đang có bao nhiêu tiền gửi trong ngân hàng?
- Giữa tháng 6, gửi tiết kiệm online ở những ngân hàng nào có lãi suất cao nhất?
- Những ngân hàng nào đã gia nhập “cuộc đua” tăng lãi suất từ tháng 5 đến nay?
- Lạm phát tăng sẽ tác động thế nào đến các ngân hàng và doanh nghiệp thời gian tới?
- Vì sao ”thừa tiền” nhưng ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động?
Nguồn: cafef.vn