“Hụi (họ)” là cuộc chơi mà gần như “high risk no return (rủi ro cao nhưng suất sinh lời không cao và gần như mất trắng). Tuy nhiên, nếu đã trót tham gia thì cần phải hiểu thật rõ mình đang chơi cái gì và hiệu quả ra sao. Có những thời điểm “hốt hụi” sẽ cho một mức lợi tức cao và ít rủi ro hơn.
Tại chương trình Moneytalk số 35 “Vỡ hụi”, phát sóng trên VTV digital ngày 27/08, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam chia sẻ, “Chơi hụi không xấu, chỉ là hiệu quả giữa người cho vay và đi vay khác nhau. Thực ra chơi hụi phải hiểu mình chơi gì thôi”.
Chuyên gia cũng cho rằng, hụi có lợi cho người đi vay, song lại vô cùng thiệt cho người cho vay. Cụ thể, nếu dây hụi có 12 người, mỗi tháng đóng 1 triệu đồng, “tiền thảo” cho chủ hụi là 300 nghìn, người hốt hụi ngay tháng đầu tiên “kêu hụi” 150 nghìn thì thực tế họ nhận về khoảng 9 triệu (đã trừ đi “tiền thảo” cho chủ hụi) và phải đóng “hụi chết” suốt thời gian còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc người này chỉ rút được khoảng 9 triệu mà lại phải chi đến gần 11 triệu, tính cả tiền thảo 300 nghìn thì dòng tiền người này âm khoảng 1 triệu 950 nghìn. Như vậy, người rút hụi đầu tiên đang phải trả một mức lãi suất để vay là khoảng hơn 21%, chưa tính tái đầu tư. Ở trường hợp những người rút sau, như người thứ 11 hay 12, sẽ ghi nhận dòng tiền dương. Tuy nhiên, hiệu suất sinh lời của nhóm này rất thấp chỉ quanh 4%.
Như vậy, người đi vay là người có lợi. Ví dụ người rút đầu tiên chỉ trả lãi suất 21% mà lại không phải chứng minh giấy tờ hay tài sản đảm bảo. Trong khi đó, vay nhanh tín chấp bên ngoài, lãi suất cũng khó lòng mà rẻ hơn mức này. Nếu “hốt hụi” vào tháng thứ 4 hoặc 5, lãi suất chỉ khoảng 4-7%/năm – một mức lãi rất rẻ. Những người nghĩ là hụi là tiết kiệm trong trường hợp này lại chịu thiệt.
Trả lời câu hỏi của Host Ngọc Trinh về việc nếu “trót chơi hụi” thì nên rút ra vào tháng nào, ông Tuấn cho biết, “dây hụi không bao giờ bị giật ở 3-4 tháng đầu tiên. Vì dây hụi ở 3-4 tháng đầu tiên phần lớn là đi vay, nên cần rút hụi. Khi chủ hụi có “tiền thảo” thì không lo mất các dây hụi từ 1 đến 3 tháng này. Tuy nhiên, khi hụi chuyển từ trạng thái đi vay sang cho vay. Những người đi vay họ giật thì người chủ hụi mới không thể trả cho người cho vay. Ở dây hụi 12 tháng thì tháng 5-10 là dây hụi bắt đầu rủi ro và cao nhất ở tháng thứ 8, thứ 9″. Chuyên gia cũng lưu ý, việc bị “giật hụi” không chỉ là người chơi cùng “giật” và gây ra phản ứng dây chuyền mà đôi khi còn đến từ chính chủ hụi.
Về những tín hiệu nhận diện một dây hụi có rủi ro, chuyên gia chia sẻ, có 3 dấu hiệu nhận biết rõ nhất đó là: 1) Bình quân lãi suất của 3 người kêu hụi đầu tiên chỉ nên ở quanh mức 15%, nếu vượt quá mức này là một tín hiệu không tốt; 2) nếu phí thảo cao, điều đó cũng thể hiện sự cam kết chắc chắn hơn của chủ hụi đối với đường dây; 3) phải xem xét người tham gia muốn rút ở tháng nào.
Ông Tuấn cũng nhắn nhủ, hụi là một hình thức dân gian, trước đây khi nền tài chính chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư thì hình thức này còn tồn tại. Tuy nhiên, thị trường ngày nay đã phát triển đa dạng cả về loại hình sản phẩm và chất lượng, thậm chí chỉ với chỉ 100 nghìn cũng đã có thể đầu tư. Dòng tiền từ hụi nên được chuyển hóa thành dòng tiền thông minh và người trẻ nên là người tiên phong cũng như hướng dẫn cho những thế hệ trước định hướng lại dòng tiền.
Sự kiện:
Money Talk
Xem tất cả >>
- Nếu trót chơi hụi, nên rút ra vào lúc nào và làm sao để nhận diện một dây hụi có rủi ro?
- Tâm lý nhà đầu tư hiện nay: “Khi mà chán thì thiên nga cũng bán với giá vịt” – Chuyên gia chỉ ra 1 việc nên thực hiện ngay lúc này
- Mr.X30 Phạm Lưu Hưng bày tỏ quan điểm thú vị về việc cho con cái đầu tư sớm, tiết lộ 3 đặc điểm để trẻ thích hợp để gia nhập thế giới đầu tư chứng khoán
- 32 tuổi có 2 tỷ đồng, có nhà cho thuê, muốn về quê nghỉ hưu nhưng chuyên gia khẳng định ngay: Đừng lấy tự do làm “điểm dừng” tài chính
- Tự do tài chính là không làm gì mà vẫn có tiền tiêu ở tuổi 30 hay tiếp tục cống hiến ở tuổi 60?
Nguồn: cafef.vn